Tuyên bố trên được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở châu Phi diễn ra trong 3 ngày tại thủ đô Nairobi của Kenya.
Các biện pháp mới nói trên bao gồm những gói tài chính, giảm nợ và xem xét lại hệ thống tài chính toàn cầu. Theo đó, các nước phát triển cần thực hiện cam kết cung cấp nguồn tài chính cần thiết để chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng ấm lên toàn cầu hiện nay.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres cho biết, châu Phi hiện chiếm chưa đến 4% lượng khí phát thải toàn cầu nhưng lại phải hứng chịu nhiều tác động tồi tệ như nắng nóng cực đoan, lũ lụt dữ dội cũng như hàng chục nghìn người tử vong do hạn hán nghiêm trọng. Chính vì vậy, ông Guterres kêu gọi các nước phát triển, đặc biệt nhóm G20 dự kiến họp thượng đỉnh tại Ấn Độ trong tuần này, cần thực hiện trách nhiệm của mình.
Ông Guterres kêu gọi các nước phát triển cần chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cũng như thúc đẩy việc thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 càng sớm càng tốt thông qua việc đầu tư vào quá trình chuyển đổi hợp lý và công bằng. Cụ thể, các nước phát triển cần đưa ra lộ trình rõ ràng và đáng tin cậy để tăng gấp đôi ngân sách cho quá trình chuyển đổi vào năm 2025 như bước đi đầu tiên trong quá trình này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: UN)
Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi tạo ra gói kích thích tài chính trị giá 500 tỷ USD hàng năm để giúp các nước đang phát triển đầu tư cho người dân và phát triển những hệ thống cần thiết nhằm đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Cũng theo ông Guterres, châu Phi có khả năng để trở thành siêu cường năng lượng tái tạo.
Việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh công bằng và hợp lý, đồng thời hỗ trợ sự phát triển rộng rãi hơn trên khắp châu Phi đòi hỏi phải có một sự điều chỉnh mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là đảm bảo một cơ chế giảm nợ hiệu quả, hỗ trợ việc tạm dừng thanh toán, thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp hơn.
Ông Guterres đồng thời kêu gọi tái cấp vốn và thay đổi mô hình kinh doanh của những ngân hàng phát triển đa phương để họ có thể tận dụng tối đa nguồn tài chính tư nhân nhằm giúp các nước đang phát triển xây dựng nền kinh tế thực sự bền vững.
Trước đó, các nhà lãnh đạo phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh đã cảnh báo, lục địa này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ tiềm ẩn vì hầu hết các quốc gia bị hạn hán, lũ lụt và lốc xoáy tàn phá trong thời gian vừa qua đang phải đối mặt với những thách thức tài chính nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!