Các nước thuộc khu vực Tây Nam châu Âu đang phải đối mặt với năm thứ hai liên tiếp thời tiết cực kỳ khô và nóng, với nắng nóng đầu hè đến sớm hơn bất thường.
Hôm thứ Năm (11/5), Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch chi gần 2,2 tỷ Euro để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với hạn hán. Trong đó, 1,4 tỷ Euro sẽ được sử dụng để xây dựng các cơ sở hạ tầng cho nguồn cung cấp nước mới, giảm phí, thuế cho các trang trại bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Gần 800 triệu Euro khác sẽ được dùng để hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
"Chúng tôi muốn đảm bảo hoạt động sản xuất lương thực được duy trì đều đặn tại Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, cần giảm bớt áp lực từ hạn hán lên người nông dân, vốn đã phải chịu nhiều sức ép từ sự gia tăng chi phí đầu vào", ông Luis Planas, Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha, cho biết.
Giới chức Tây Ban Nha cũng ban hành quy định cấm một số công việc làm ngoài trời trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, như xây dựng, dọn dẹp đường phố hay trồng trọt. Lệnh cấm sẽ được áp dụng khi cơ quan thời tiết quốc gia đưa ra cảnh báo về nguy cơ nhiệt độ cao nghiêm trọng hoặc cực đoan, trên 39oC.
"Cần phải có biện pháp để bảo vệ những người làm việc trên đường phố, trong các công trình xây dựng. Các cơ quan chính phủ nên đưa ra quy định điều tiết", ông Jesus Alonso, người dân Tây Ban Nha, đề xuất.
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng hạn hán kéo dài khiến mực nước sông giảm xuống thấp kỷ lục gây ra thiệt hại hàng tỷ USD cho kinh tế châu Âu. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)
Ngoài Tây Ban Nha, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang phải áp dụng những biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với tình trạng hạn hán kéo dài.
Italy hiện đang tìm cách sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn, đồng thời củng cố cơ sở hạ tầng dự trữ nước.
Một số khu vực miền nam nước Pháp đã phải tuyên bố tình trạng hạn hán ở mức khủng hoảng và áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng nước.
"Chúng tôi đã ban hành quy định về việc quản lý sử dụng nước trong giai đoạn từ nay cho đến 13/6, để đảm bảo có đủ nước cho các mục đích quan trọng và hạn chế việc sử dụng cho các mục đích ít quan trọng hơn", ông Rodrigue Furcy, Tỉnh trưởng Pyrenees Orientales, Pháp, thông tin.
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng hạn hán kéo dài khiến mực nước sông giảm xuống thấp kỷ lục gây ra thiệt hại hàng tỷ USD cho kinh tế châu Âu do việc vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn. Thiếu nước cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất điện từ các nhà máy thủy điện và hạt nhân, đồng thời làm giảm sản lượng nông nghiệp. Điều này có thể sẽ khiến vấn đề chi phí sinh hoạt tại châu Âu trở nên trầm trọng hơn nữa trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!