Chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm thể hiện qua việc các hộ gia đình ít quan tâm hơn đến việc chi tiêu cho các mặt hàng đắt tiền trong 6 tháng tới, trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, chi phí đi vay cũng tăng cao.
Sự suy giảm niềm tin tập trung ở nhóm 55 tuổi trở lên, cũng như các hộ gia đình có thu nhập hàng năm dưới 50.000 USD. Các hộ gia đình thu nhập thấp phải chịu áp lực khi lạm phát trong tháng 10 trước đó đã tăng với tốc độ chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng do Công ty Conference Board xây dựng trên cơ sở khảo sát quan điểm của 5.000 hộ gia đình Mỹ về các vấn đề tiêu dùng. Số liệu càng cao chứng tỏ niềm lạc quan của người tiêu dùng càng lớn. Chi tiêu tiêu dùng vốn được nhận định là điểm tích cực của nền kinh tế Mỹ, có thể giúp nước này đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% để tránh suy thoái.
Sức khỏe tài chính hộ gia đình Mỹ qua mua sắm
Người tiêu dùng Mỹ đã bước vào mùa mua sắm cuối năm với liên tiếp các ngày hội giảm giá. Năm nay, doanh thu của đợt mua sắm này được nhiều người quan tâm hơn cả. Bởi đây sẽ là những chỉ dấu quan trọng cho thấy lạm phát đang tác động thế nào tới hành vi của người mua. Rồi liệu lãi suất cao có ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của các doanh nghiệp?
CNNMoney, trang tài chính của CNN cho biết, riêng mua sắm online vào ngày Thứ Sáu đen năm nay đã đạt doanh số kỷ lục với 9,12 tỷ USD. Phải chăng đây là sự khởi đầu tốt cho một mùa mua sắm phía trước bất chấp lạm phát và các lo lắng về nền kinh tế. Nhưng theo báo cáo của hãng Morning Consult thì người Mỹ đang chủ yếu rút tiền tiết kiệm và vay nợ thẻ tín dụng để mua hàng.
Bloomberg bình luận, Thứ Sáu đen năm nay không hẳn là sáng. Mặc dù đạt doanh số kỷ lục, trên thực tế chỉ tăng 2,3% so với mùa mua sắm (vốn đứt gãy chuỗi cung ứng) năm ngoái. Trong khi mức tăng của trước dịch như năm 2019 là 19%, doanh số bán hàng trực tiếp cũng ảm đạm tương tự. Một trong các lý do là việc giảm giá mạnh chủ yếu ở hàng tồn nhiều như quần áo, nội thất. Trong khi hàng điện tử giá trị cao được nhiều người săn đón thì chỉ giảm khoảng 20%. Mức giảm phải cân nhắc khi mua.
Liệu sự ảm đạm này có phải là xu hướng cho cả mùa mua sắm sắp tới?
Nhìn vào Thứ Sáu đen, nhà đầu tư có thể hiểu người tiêu dùng còn bao nhiêu tiền trong ví, là tựa đề bài trên Marketwatch. Theo bài báo, người Mỹ vẫn nhiều tiền hơn 20% so với thời trước dịch. Nhưng, theo chuyên gia Van Hesser của Tổ chức xếp hạng trái phiếu Kroll, thì mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Khi mùa lễ hội tới, người ta thấy thu không cập với chi. Khoản tiền khổng lồ nhận được từ hỗ trợ trong dịch đã nhanh chóng bị bào mòn khi lạm phát gia tăng, trong khi nguồn thu tài chính khác đều sụt giảm.
Và dữ liệu từ ngày thứ 6 đen có thể sẽ là gợi ý cho bước đi tiếp theo của Fed, trang Barrons viết. Theo trang này thì FED đã để ngỏ khả năng giảm tốc độ tăng lãi suất nhưng cơ quan này sẽ vẫn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế. Thứ Sáu đen là một dữ liệu quan trọng, nó sẽ cho thấy giá nhiên liệu tăng có là lý do nữa giữ chân người tiêu dùng ở nhà và nó cũng cho thấy người tiêu dùng đối mặt với lạm phát ra sao.
Với tình hình mua sắm như hiện nay, FED được dự đoán vẫn có thể tăng lãi suất tiếp, nhưng cũng phải cân nhắc mức tăng vừa phải. Bởi kìm đà tăng giá cả hàng hóa là quan trọng, nhưng tạo môi trường tốt để người tiêu dùng có thêm nguồn thu cũng quan trọng không kém.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!