Một vệt sao băng từ trận mưa sao băng Ursid lướt qua Sao Mộc và Sao Thổ, xuất hiện gần nhau trên bầu trời đêm, trên bầu trời Ashland, Oregon, vào tháng 12/ 2020. (Ảnh: Getty Images)
Mưa sao băng Ursids, sự kiện thiên văn cuối cùng trong năm, đạt cực điểm vào sáng 22/12/2024. Đây là cơ hội hiếm hoi để người yêu thiên văn chiêm ngưỡng cảnh tượng kỳ thú trước thềm năm mới.
Mưa sao băng Ursids dự kiến đạt cực điểm từ 4h đến 5h sáng theo giờ ET (khoảng 16h-17h giờ Việt Nam, ngày 22/12). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạn có thể bắt đầu quan sát từ sau nửa đêm. Mưa sao băng Ursids có nguồn gốc từ chòm sao Tiểu Hùng (Ursa Minor), với tâm điểm xuất phát gần ngôi sao sáng Kochab.
Bầu trời sẽ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng từ Mặt trăng tròn 54%, nhưng người quan sát vẫn có thể nhìn thấy từ 5 đến 10 sao băng mỗi giờ nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Để tăng cơ hội chiêm ngưỡng, các chuyên gia khuyến nghị:
"Tìm nơi ít ánh sáng nhân tạo, hướng mặt về phía bắc và giữ Mặt trăng phía sau. Nằm trên ghế thoải mái, ngửa mặt lên bầu trời ở góc khoảng nửa chừng từ chân trời. Dành ít nhất một giờ ngoài trời để mắt thích nghi với bóng tối" là lời khuyên của các chuyên gia dành cho những người muốn chiêm ngưỡng mưa sao băng Ursids.
Các thiên thạch từ trận mưa sao băng Geminid lướt qua bầu trời phía trên Kính viễn vọng Nicholas U. Mayall tại Đài quan sát quốc gia Kitt Peak (KPNO). (Ảnh: AP)
Mưa sao băng Ursids hình thành khi Trái Đất đi qua dòng vật chất do sao chổi 8P/Tuttle để lại trong quỹ đạo của nó quanh Mặt trời. Dù là một hiện tượng thiên văn khá mới, chỉ được phát hiện vào thế kỷ 20, mưa sao băng Ursids đã trở thành điểm nhấn đáng chú ý của bầu trời cuối năm.
Nếu lỡ cơ hội quan sát Ursids, bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng mưa sao băng Quadrantids - sự kiện mở màn năm mới. Quadrantids sẽ đạt cực điểm vào ngày 3/1/2025, với điều kiện quan sát thuận lợi hơn khi ánh trăng chỉ đạt 11%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!