Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc khởi đầu từ tháng 5/2018 và đúng như dự đoán đã leo thang dữ dội hơn vào năm 2019. Cho tới nay, qua 5 vòng áp thuế thì 2 bên đã áp thuế lên tới 620 tỷ USD hàng hóa của nhau. Cứ mỗi cú ra đòn, thị trường thế giới lại "dậy sóng", trồi sụt theo các tuyên bố của Washington về các mức thuế hay về diễn biến của các cuộc đàm phán thương mại.
Theo phóng viên Trường Sơn, thường trú tại Washington: "Nông nghiệp của Mỹ một năm bị tác động tiêu cực. Tổng thống Mỹ sử dụng áp thuế, đe dọa tăng thuế nhằm gây áp lực trong đàm phán với Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc cũng tăng thuế, ngừng mua hàng nông sản của Mỹ và người nông dân Mỹ là người đầu tiên chịu tác động tiêu cực của cuộc đối đầu".
"Một năm các quan chức của Mỹ "chạy như con thoi" với 8 vòng đàm phán cấp cao được thực hiện. Nhưng mãi tới gần cuối năm, hai bên mới đạt được thỏa thuận ban đầu. Trên trang Twitter, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc hứa sẽ mua một lượng lớn hàng nông sản Mỹ. Con số được ông Trump nhắc lại ở nhà trắng là 50 tỷ USD".
Trong khi đó, Việt Nam, một trong 5 nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cuộc chiến thương mại cũng đang giúp các nước ASEAN leo lên những bậc thang cao hơn trong nấc thang giá trị gia tăng toàn cầu, trở thành nhà cung ứng lắp ráp chính trong tương lai. Đó là kết luận của Viên nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore đưa ra trong nghiên cứu mới nhất về tác động của cuộc chiến thương mại của Mỹ Trung với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng gặp nhiều thách thức trong việc "hấp thụ" dòng vốn do chuyển dịch đầu tư một cách hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!