Chiến tranh thương mại với Trung Quốc là “ý tưởng tồi tệ” cho Ấn Độ?

Như Anh (T/h:Reuters, Financial Times, The Economic Times, Foreign Policy)-Thứ năm, ngày 02/07/2020 11:25 GMT+7

VTV.vn - Căng thẳng tại biên giới với Trung Quốc, nếu không có một chiến lược giải quyết khéo léo, có thể sẽ khiến kinh tế của Ấn Độ bị cô lập hơn.

Một "bạn hàng" khó tẩy chay

Hạ nhiệt căng thẳng biên giới với Trung Quốc sẽ không dễ dàng cho Ấn Độ. Quan trọng hơn là sau đây, mỗi bên đều sẽ có những cân nhắc lại về quan hệ kinh tế song phương lâu dài. Thủ tướng Narendra Modi đang đối diện với sức ép từ người dân trong nước phải tẩy chay hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là một phần của chiến lược tự chủ sản xuất kinh tế, cũng như chủ nghĩa bảo hộ quốc gia. Nhưng liệu đòn "tẩy chay" này có "gậy ông đập lưng ông"?

Chiến tranh thương mại với Trung Quốc là “ý tưởng tồi tệ” cho Ấn Độ? - Ảnh 1.

Người dân Ấn Độ dẫm đạp lên các mặt hàng điện tử Trung Quốc trong một cuộc diễu hành tại Ahmedabad

Trên mạng xã hội của Ấn Độ, từ khoá "Tẩy chay hàng Trung Quốc" đi kèm với hình ảnh người dân đập phá những chiếc điện thoại thông minh của các thương hiệu Trung Quốc. Đây chỉ là bề nổi của một làn sóng ngầm trong người dân Ấn Độ- những người bất mãn với tình trạng Ấn Độ có thặng dư thương mại quá lớn với Trung Quốc- khoảng 57 tỷ USD trong năm ngoái. Con số này càng đáng lo ngại khi mà giao thương giữa 2 quốc gia chỉ đạt 92.5 tỷ USD.

Ấn Độ đang lệ thuộc vào hàng hoá, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc trong một số ngành nghề chủ lực: Khoảng một nửa các mặt hàng linh kiện điện tử Ấn Độ nhập khẩu là từ Trung Quốc, và khoảng 70% các nguyên liệu bào chế thuốc dùng cho ngành dược phẩm nội địa cũng là từ Trung Quốc.

Trong cả 2 ngành này, chính phủ Ấn Độ đều rất nỗ lực để đẩy mạnh sản xuất trong nước nhưng những nỗ lực trước đó đều đem lại rất ít kết quả. Nhiều khả năng chính phủ của Thủ tướng Modi cũng sẽ theo gót Mỹ và châu Âu trong việc hạn chế các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

Đầu năm nay Ấn Độ cũng đã đặt ra các hạn mức đối với các khoản tiền đầu tư từ Trung Quốc đổ vào các start-up công nghệ của Ấn Độ. New Delhi cũng đang cân nhắc xem có nên "cấm cửa" hãng viễn thông Huawei hay không. Nhưng bước đi này khó mà được triển khai, trong bối cảnh các công ty viễn thông Ấn Độ thì eo hẹp về tài chính, mà thiết bị viễn thông Trung Quốc thì lại có giá thành rất rẻ.

"Ấn Độ đơn giản là không thể nào "chia tay" với hàng hoá Trung Quốc- điều này là bất khả thi"- ông Biswaji Dhar, một giáo sư kinh tế đến từ trường Đại học Jawaharlal Nehru của New Delhi, phát biểu- "Trong nền kinh tế thị trường, làm sao bạn thuyết phục được người tiêu dùng là đừng có mua đồ Trung Quốc giá rẻ nữa, mà hãy chuyển sang đồ Ấn Độ giá thành đắt hơn- dù chất lượng tốt hơn?"

Kịch bản nào cho một "cuộc chiến thương mại Trung - Ấn"

Ấn Độ chưa sẵn sàng cho một cuộc căng thẳng thương mại?

Kế hoạch Make in India- tham vọng biến Ấn Độ thành một nhà xưởng của thế giới, tự chủ về sản xuất và xuất khẩu- bị đánh giá là đã thất bại. Năm 2014, khi Make in India được triển khai, lĩnh vực sản xuất chiếm 15% GDP của Ấn Độ. Sau gần 6 năm, con số này không những không tăng, mà còn "thụt lùi" xuống 14%.

Trong khi đó, tại các quốc gia lân cận như Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, hay Philippines, sản xuất chế tạo đều chiếm từ 16 đến 27% GDP. Thủ tưởng Modi cũng đã bỏ qua cơ hội tham gia hiệp định RCEP. Những tiếng nói quan trọng trong đảng của ông Modi cũng không ủng hộ việc mở cửa nền kinh tế, thậm chí muốn quay lại thời kì cô lập về kinh tế. Những cử tri quan trọng của ông Modi - những nông dân canh tác nhỏ, hay các chủ cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ - cũng không hoan nghênh ý định mở cửa thị trường lớn hơn nữa.

Nếu Ấn Độ thực sự muốn gây sức ép về kinh tế lên Trung Quốc, ít nhất nước này cũng cần bắt tay với Australia, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Chiến tranh thương mại với Trung Quốc là “ý tưởng tồi tệ” cho Ấn Độ? - Ảnh 3.

Chiến dịch Make in India của Ấn Độ không đạt được nhiều kết quả khả quan sau gần 6 năm triển khai

Còn về phía Trung Quốc, Bắc Kinh không thiếu đòn bẩy để có thể gây áp lực lên Ấn Độ. Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu nguyên liệu dược phẩm, cũng giống như cách mà Trung Quốc đã áp thuế lên các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Australia trong thời gian gần đây.

Trong những ngày qua, Ấn Độ đã bắt đầu tỏ dấu hiệu sẽ không nhượng bộ về kinh tế. Ngay từ đầu tuần, New Delhi đã ban lệnh cấm 59 ứng dụng hầu hết là của Trung Quốc, trong đó có cả "ứng dụng tỷ đô" TikTok. Ngoài cầu cảng và cửa khẩu, các nhân viên hải quan chần chừ trong việc cấp phép thông quan cho các công hàng đến từ Trung Quốc. Thậm chí, giới chức nước này tiết lộ có thể sẽ áp thuế cao hơn, hoặc yêu cầu khắt khe hơn về mặt chất lượng đối với sản phẩm từ Trung Quốc.

Nhưng bất kì động thái cản trở hàng hoá Trung Quốc nào cũng sẽ "phản đòn". Hiệp hội điện tử Ấn Độ đã lên tiếng cảnh báo rằng cả ngành công nghiệp chế tạo sẽ bị gián đoạn, đặc biệt là trong giai đoạn nhạy cảm còn đang chật vật phục hồi sau dịch COVID-19.

Trong trường hợp New Delhi vẫn tỏ ra cứng rắn, thì người tiêu dùng Ấn Độ buộc phải đứng trước lựa chọn hàng hoá nội địa đắt đỏ, và ít mẫu mã hơn. Đây sẽ là một "nỗi đau" kinh tế mà Ấn Độ phải chịu và có thể sẽ chịu được trong ngắn hạn, nhưng về lâu về dài thì lại là một câu chuyện khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước