Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Lý Hiển Long trong cuộc gặp gỡ tại Singapore vào tháng 7/2013 (Nguồn: CNA)
Việc ứng cử viên Tổng thống Joe Biden đắc cử (theo thông tin của giới truyền thông Mỹ) đang khiến thế giới và các nước châu Á hết sức quan tâm. Bởi khu vực châu Á được cho sẽ là điểm nhấn trong nhiệm kì tới.
Về đối nội cũng như đối ngoại, ông Joe Biden có lẽ sẽ đi theo một kịch bản quen thuộc. Rõ ràng nhất, ông sẽ củng cố các liên minh của nước Mỹ và tăng cường gắn kết các thể chế đa phương. Ông sẽ đưa các vấn đề nhân quyền và dân chủ đóng vai trò nổi bật hơn trong cách tiếp cận của Washington với thế giới. Có những nhận định cho rằng ông Biden sẽ triển khai các chính sách đối ngoại như một sự tiếp nối các chính sách dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Sẽ có một số điểm liên tục. Nhưng cũng có những thay đổi quan trọng.
Ông Joe Biden cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Los Angeles hồi năm 2012 (Nguồn: AFP)
Châu Á sẽ là trọng tâm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Điều này, một phần, cũng đến từ sự ưu ái mà những đời tổng thống tiền nhiệm dành cho khu vực này - nơi được dự báo sẽ gặt hái những thành tựu có tác động sâu sắc đến thế giới trong những thập kỉ tới. Ngoài ra, những khó khăn kéo dài về tài chính cũng khiến Mỹ khó duy trì được sự hiện diện đáng kể ở châu Âu, cũng như tiếp tục các chính sách vốn có với Trung Đông. Dưới thời Tổng thống Obama, chính sách “xoay trục” sang châu Á là một sự lựa chọn về nơi tập trung các nỗ lực. Đối với ông Biden, sự khan hiếm các nguồn lực sẽ là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ khi đặt trọng tâm vào châu Á. Điều này sẽ có nghĩa quy mô hoạt động của Mỹ sẽ bị thu nhỏ tại những điểm chiến lược khác trên thế giới.
Cách tiếp cận với Trung Quốc
Câu hỏi lớn nhất về chính sách đối ngoại của ông Joe Biden sẽ là cách Mỹ tiếp cận Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã tiến tới một cuộc cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện với Trung Quốc. Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 đã mô tả Trung Quốc có ý định làm xói mòn lợi thế toàn cầu của Mỹ, và Mỹ sẽ cơ cấu lại các công cụ sức mạnh quốc gia để chống lại nỗ lực đó.
.Trên thực tế, chính sách đối với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump không mạch lạc và không nhất quán. Bản thân ông Trump cũng được cho là từng theo đuổi một mối quan hệ đặc biệt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cách Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc có thể sẽ thay đổi (Nguồn: Reuters)
Ông Biden khó có khả năng đưa chính sách Trung Quốc trở lại chiến lược "can dự nhưng phòng ngừa" đã có từ nhiều năm trước - do thái độ và quan điểm tại Mỹ thời gian gần đây đã trở nên cứng rắn quyết liệt, và nguyên nhân không chỉ từ ông Donald Trump.
Tuy vậy, cách Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc có thể sẽ thay đổi và sẽ cần có sự hợp tác. Ông Biden sẽ không làm dịu đáng kể những xung đột thương mại. Và các động thái nhằm chia rẽ hai nền kinh tế sẽ tiếp tục, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Mỹ sẽ tiếp tục tìm mọi cách hạn chế tham vọng của Trung Quốc muốn thay đổi trật tự khu vực châu Á, nhưng có thể sẽ thiết lập một số lĩnh vực có lợi ích chung để cải thiện hợp tác. Điều này sẽ thường xảy ra liên quan đến các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chính quyền ông Biden sẽ đánh giá rất cao mối đe dọa lớn này và để thúc đẩy chương trình nghị sự đó một cách có ý nghĩa sẽ cần có sự hợp tác với Trung Quốc.
Vì vậy, người ta có thể chờ đợi một cách tiếp cận ôn hòa hơn trong sự cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng không phải là dấu chấm hết cho các tranh chấp trong khu vực.
Cách tiếp cận với Triều Tiên
Triều Tiên được coi là một câu chuyện nổi bật nhất về chính sách đối ngoại của ông Trump. Dưới thời ông Trump, quan hệ Mỹ-Triều Tiên đã trở nên cá nhân hóa cao độ. Vai trò của các đồng minh dường như bị lu mờ.
Dù Triều Tiên đã ngừng các vụ thử hạt nhân, nhưng trái ngược với những thông tin trên tài khoảng twitter của Tổng thống Mỹ, Bình Nhưỡng vẫn duy trì khả năng phát triển vũ khí hạt nhân.
Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là chính quyền ông Joe Biden sẽ học cách chung sống hoà bình với Triều Tiên và trái ngược hẳn với đường lối của ông Trump, ông Biden sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh ở Hàn Quốc để phối hợp cách tiếp cận với Bình Nhưỡng.
Bình thường hóa quan hệ với các đồng minh
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Lý Hiển Long trong cuộc gặp gỡ tại Singapore vào tháng 7/2013 (Nguồn: CNA)
Sự trở lại bình thường ở Washington sẽ làm hài lòng các đồng minh của Mỹ. Họ sẽ không còn bị bỏ lơ hoặc trong một số trường hợp, bị Tổng thống chỉ trích công khai. Chính quyền ông Joe Biden sẽ nhấn mạnh vào vai trò của các đồng minh trong tham vọng chính sách đối ngoại của mình. Đó là sẽ coi trọng các liên minh thay vì làm giảm giá trị, sử dụng phạm vi hoạt động mà các liên minh này cho phép và tận dụng sự hỗ trợ chính trị của họ để thúc đẩy một cách tiếp cận chiến lược hơn - nhằm khống chế Trung Quốc.
Nhưng giá trị lớn hơn này không hề "miễn phí". Một nước Mỹ bị hạn chế về tài chính sẽ mong đợi nhiều hơn từ phía các đồng minh. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất ở châu Á - nơi Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phải gánh trên vai trách nhiệm lớn hơn, rủi ro và tốn kém hơn.
Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden được cho là sẽ cố gắng khôi phục uy tín nước Mỹ và mang lại một cách tiếp cận tích cực hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đây cũng là chính phủ sẽ hoạt động theo những cách thức ổn định và có thể dự đoán được.
Nhưng ông Biden sẽ kế thừa một nước Mỹ mà sức mạnh và uy tín đang suy giảm. Các thể chế toàn cầu mà Mỹ xây dựng để ổn định trật tự quốc tế và thúc đẩy các lợi ích của mình đang ở trong tình trạng khó khăn, không chỉ vì các cuộc tấn công của tổng thống Trump.
Nước Mỹ sẽ phải đối mặt với thực tế mới rằng các cường quốc mới nổi đầy tham vọng đang khôn khéo lợi dụng sự không nhất quán trong nhiệm kỳ của ông Trump để nâng cao vị thế của mình.
Với viễn cảnh ông Biden bước vào Nhà Trắng hiện đã chắc chắn, chiến thắng của đảng Dân chủ cho thấy nước Mỹ đang quay trở lại đường lối chính thống. Đặc tính cá nhân của ông Biden và đội ngũ chính sách đối ngoại của ông được cho là sẽ phù hợp với cách Mỹ đã tiếp cận thế giới trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, điều còn phải chờ đợi là liệu vai trò của ông Joe Biden có thể phát huy trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang có nhiều diễn biến nguy hiểm và bất ổn?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!