Tân Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, bà Yuko Yobuchi, đang tới Văn phòng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, hôm 3/9. (Ảnh: Reuters)
Đây là cuộc cải tổ nội các đầu tiên kể từ khi ông Shinzo Abe tái nhậm chức Thủ tướng vào tháng 12/2012. Thông qua lần cải tổ này, Thủ tướng Shinzo Abe hy vọng sẽ giành lại được sự ủng hộ của người dân đối với các chính sách cải cách của Chính phủ.
Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố danh sách 18 vị Bộ trưởng trong Chính phủ mới, trong đó có 12 Bộ trưởng đã bị thay thế hoặc đổi vị trí. Mặc dù nhân sự có thay đổi lớn, 6 vị trí chủ chốt ở các Bộ Ngọai giao, Quốc phòng, Tài chính và Văn phòng nội các vẫn được giữ nguyên. Theo các nhà quan sát, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không thay đổi phương châm điều hành đất nước, mà chỉ muốn đem lại một gương mặt mới cho Chính phủ.
Ông Shiromoto Masaru, Phó ban bình luận, kênh truyền hình công NHK, Nhật Bản cho biết: “Các chính sách ngọai giao và quốc phòng sẽ được giữ nguyên. Điều ông Abe hướng đến qua lần cải tổ này là thúc đẩy cải cách kinh tế ở địa phương, do hiện nay những lợi ích kinh tế chủ yếu chỉ tập trung ở Tokyo chứ chưa lan ra các khu vực khác. Ông Abe cũng muốn tăng cường hơn nữa vai trò của phụ nữ đối với nền kinh tế. Nhưng điều cốt yếu là lần cải tổ này sẽ đem lại vẻ mới mẻ và năng động cho nội các mới”.
Nội các Nhật Bản đã vận hành ổn định và nhận được sự tín nhiệm cao của người dân cho đến đầu năm nay, khi Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện liên tiếp hai quyết định gây tranh cãi, đó là công nhận quyền phòng vệ tập thể và tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8%. Những quyết định này đã vấp phải sự phản đối của một bộ phận lớn dân chúng, khiến tỷ lệ ủng hộ nội các có lúc giảm xuống dưới 50% từ mức đỉnh cao 68,8% một năm trước đó.
Ông Shiromoto Masaru, Phó ban bình luận, kênh truyền hình công NHK, Nhật Bản nói: “Có thể nói lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Shinzo Abe phải đối mặt với một thách thức đáng kể. Quan điểm của người dân bị chia rẽ sâu sắc xung quanh quyền phòng vệ tập thể, trong khi nền kinh tế thì bắt đầu có những dấu hiệu bất ổn. Ông Abe muốn tạo ra sự thay đổi để đem lại nguồn năng lượng mới cho nội các và lấy lại sự ủng hộ của người dân”.
Trước mắt, Thủ tướng Shinzo Abe cùng nội các mới sẽ phải cân nhắc về việc có nên tăng thuế tiêu thụ từ mức 8% hiện nay lên 10% vào năm 2015 như kế họach đã định hay không. Chính sách thuế được dự báo sẽ có ảnh hưởng lớn tới sự ủng hộ của người dân đối với Chính phủ Nhật Bản.