Cỏ biển có thể làm giảm tính axit của vùng nước xung quanh. (Ảnh: AP)
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Nature Geoscience, cỏ biển (những loài thực vật có hoa mọc trong môi trường nước mặn) có thể làm giảm tính axit của vùng nước xung quanh, một chức năng đặc biệt quan trọng khi các đại dương hấp thụ CO2 từ khí quyển và sản sinh ra nhiều axit hơn. Cỏ biển tạo ra "lớp đệm" ngăn tình trạng axit hóa, vốn gây hại cho vỏ của các loài động vật biển và hạn chế hoạt động của các loài cá.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Global Change Biology vào ngày 31/3, các nhà khoa học tại Đại học Davis ở bang California (Mỹ) đã phát hiện rằng, cỏ biển phổ biến dọc bờ biển của bang này có thể giảm 30% tính axit của nước trong khu vực suốt thời gian dài.
Tác giả nghiên cứu trên, chuyên gia Aurora Ricart, cho biết, loài cây này cũng giúp làm sạch nước bị ô nhiễm, bảo vệ các loài cá, tránh xói mòn bờ biển và giữ lại các hạt nhựa siêu nhỏ. Theo bà Ricart, điều tuyệt vời hơn nữa là loài sinh vật này xuất hiện ở khắp nơi.
Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Frontiers in Plant Science vào ngày 4/3 cho thấy, ô nhiễm từ việc khai mỏ và những tác động của hoạt động đánh bắt cá có thể đã làm giảm 92% lượng cỏ biển ở nước Anh trong 1 thế kỷ qua. Nghiên cứu cho rằng, nếu được bảo vệ, lượng cỏ biển này đã có thể giúp hấp thụ tới 11,5 triệu tấn CO2, tương đương với 3% lượng khí thải CO2 của nước Anh trong năm 2017.
Năm 2021, quần đảo Seychelles đã lần đầu tiên tiến hành đánh giá khả năng hấp thụ CO2 của cỏ biển ở dọc khu vực bờ biển của mình.
Và theo UNEP, cho đến nay, ít nhất 10 nước đã thừa nhận, cỏ biển có thể đóng vai trò đáng kể trong các kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu của mình.
Tuy nhiên, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, cứ sau mỗi 30 phút, các hoạt động của con người đang phá đi diện tích cỏ biển tương đương với một sân bóng. Và các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm cách bảo vệ những bãi cỏ biển còn sót lại.
Theo nghiên cứu năm 2009 nhằm thống kê cỏ biển, những đồng cỏ biển đang bị thu hẹp với tốc độ 7 %/năm trên toàn cầu và hoạt động của con người chính là nguyên nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!