Cơ quan Điều tiết Dược phẩm đang có trụ sở tại London là một bộ phận quan trọng của bộ máy hành chính Liên minh châu Âu. Khi nước Anh sắp rời khỏi Liên minh châu Âu, cơ quan này không còn lý do gì ở lại London được nữa. Theo một số tờ báo của châu Âu phân tích, nước nào kéo được cơ quan này về sẽ có lợi ích kinh tế to lớn và lâu dài.
27 nước thành viên Liên minh châu Âu đang tranh đua giành lấy những gì mà nước Anh không còn danh chính ngôn thuận để giữ lại.
Hai cơ quan lớn của Liên minh châu Âu là Cơ quan Điều tiết Dược phẩm và Cơ quan Điều tiết Ngân hàng sẽ sớm phải rời khỏi London. Cuộc đua lúc này đang tập trung vào Cơ quan Điều tiết Dược phẩm. Các thành phố châu Âu muốn đón nhận cơ quan này chỉ còn một tuần nữa để nộp hồ sơ và đang liên tục đưa ra những lời chào mời hấp dẫn. Tờ Jornal de Notícias cho biết, Bồ Đào Nha cam kết "Nếu cơ quan này chuyển từ London về Lisbonne, Bồ Đào Nha sẽ dành cho tất cả 900 nhân viên một mức thuế thu nhập đặc biệt thấp".
Thành phố Brussels của Bỉ cũng đâm đơn, dù cho khả năng là rất thấp, bởi vì hiện nay đa số các cơ quan của Liên minh châu Âu đang đóng tại Brussels và chủ trương của Ủy ban châu Âu là không tập trung toàn bộ các cơ quan tại một nước. Tờ Le Soir của Bỉ viết: "Cơ quan Điều tiết Dược phẩm là miếng ngon nhất cần giành lấy sau Brexit" và tính toán chi tiết "ngoài 900 nhân viên thường xuyên, còn là 36.000 người mỗi năm từ nơi khác tới dự 564 cuộc họp và hội thảo về dược phẩm, tương đương với 300 phòng khách sạn mỗi ngày". 36.000 khách mỗi năm đâu phải chỉ chi tiền khách sạn. Họ cũng cần ăn uống, giải trí, một nguồn thu không nhỏ đối với thành phố nào kéo được cơ quan này về với mình.
Báo chí của mỗi nước châu Âu đều cho rằng một thành phố nào đó của nước mình là lý tưởng nhất để đón nhận Cơ quan Điều tiết Dược phẩm. Tờ Jyllands-Posten Sondag tại Đan Mạch có bài viết "26 nước muốn đón các cơ quan của châu Âu" đã nhấn mạnh ưu thế của Thủ đô Copenhagen. Trong khi đó, tờ Kurier của Áo khẳng định thành phố Vienne của Áo là phù hợp hơn cả.
Tờ Corriere della Sera của Italy lại viết "Không đâu hợp lý hơn Milan. Thành phố này sẵn sàng dành nguyên cả một tòa nhà chọc trời nếu được chọn". Tờ báo cũng lưu ý một chi tiết mà không có báo nào khác nói tới là "Thành phố Bratislava của Slovaquie đang thuận lợi nhất vì có sự hậu thuẫn của Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp".
Do Ủy ban châu Âu không muốn một nước tiếp nhận cả hai cơ quan sắp phải rời khỏi London nên Đức và Pháp buộc phải lựa chọn. Có thể hai nước này cho rằng nếu chọn Cơ quan Điều tiết Ngân hàng, ngoài lợi ích kinh tế trước mắt sẽ còn là lợi ích chính trị dài lâu, có lợi hơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!