Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể tăng lên mức cao nhất kể từ thập niên 1940, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Richard Clarida đã nhận định như vậy hôm 6/5. Những nhận định như thế này đang dựng lên viễn cảnh "cơn ác mộng giữa ban ngày" sẽ còn dài với những lao động gốc Á trên đất Mỹ.
Mười ngày trước khi chính quyền bang New York ban hành lệnh giãn cách xã hội và ngừng mọi hoạt động kinh doanh không thiết yếu, anh Truman Lam - 35 tuổi - đã cân nhắc xem có nên đóng cửa nhà hàng Jing Fong, một biểu tượng ở khu phố của người Hoa ở thành phố New York hay không.
Anh Lam vẫn còn nhớ rõ. Đó là một buổi trưa trung tuần tháng ba, anh đi lên lầu để đếm xem có bao nhiêu khách hàng đang dùng bữa. Căn phòng chứa được 800 người, nhưng hôm đó, anh Lam chỉ đếm được 36 khách.
"Ngày hôm đó, tôi quyết định, bạn biết gì không? Cửa hàng sẽ đóng cửa". Anh Lam nói với trang tin CNN Business. Điều khó khăn hơn, anh cũng đưa ra quyết định cuối cùng đối với 170 nhân viên đang làm việc trong nhà hàng, rằng họ nên nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Vậy là 170 lao động nhập cư đã rơi vào cảnh thất nghiệp tạm thời!
Anh Truman Lam, chủ nhà hàng Jing Fong tại khu phố người Hoa ở Manhattan, TP New York, Mỹ
Tình cảnh chung cũng đang diễn ra với nhiều nhà hàng do người Mỹ gốc Á làm chủ tại khu phố người Hoa (Chinatown) ở thành phố New York. Hàng nghìn nhân viên phục vụ bị cho nghỉ việc.
Trong số 30 triệu người thất nghiệp trên toàn nước Mỹ, có khoảng 150 nghìn người Mỹ gốc Á tại bang New York. Một số liệu còn giật mình hơn là tại New York - bang chịu nhiều thiệt hại nhất do dịch bệnh COVID-19 - tỷ lệ người Mỹ gốc Á thất nghiệp đã tăng với tốc độ kỷ lục 6.900% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm dân số mất việc lớn nhất tại đây.
"Quýt làm, cam chịu"
Virus SARS-CoV-2 bị gắn với tên virus Vũ Hán là quan điểm của nhiều người Mỹ khi dịch bệnh mới bùng phát ở quốc gia này. Tức là, bất kể lao động châu Á nào cũng có thể bị quy chụp là nguồn lây bệnh.
Ông Ed Chan - một lao động tư do - hiểu hơn ai hết tình cảnh này khi cả 4 công việc bán thời gian của ông đều biến mất từ tháng 3 do dịch COVID-19.
Ông Ed Chan cho hay: "Những tên gọi ban đầu về virus Trung Quốc hoặc virus Vũ Hán đã được sử dụng trong thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát. Tất nhiên, sau đó tên virus đã được thay đổi, nhưng cũng đã khiến nhiều người gốc Á mất việc".
Một tiệm làm móng của người gốc Á ở thành phố New York phải đóng cửa vì dịch bệnh
Sự phân biệt đối xử là có
Trong một thập kỷ qua, người lao động gốc Á có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất và thu nhập hộ gia đình trung bình cao nhất so với bất kỳ nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc nào ở Mỹ. Họ làm việc chăm chỉ ở những ngành nghề thường bị đánh giá là lao động cấp thấp như phục vụ nhà hàng, làm móng, thu hoạch rau củ trong các trang trại… Đây được cho là những công việc chân tay vất vả mà người Mỹ thường không muốn làm. Dù rất chăm chỉ, nhưng các lao động gốc Á thường chỉ được thuê làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian.
Nếu dịch bệnh không bùng phát, lao động gốc Á có thể "năng nhặt chặt bị" và tạm hài lòng với những nghề dịch vụ này. Vô hình chung, một phần lớn lao động gốc Á ở Mỹ không có nhu cầu học lên cao hơn hoặc chuyển đổi sang các lĩnh vực khác đòi hỏi chuyên môn cao. Việc bằng lòng với những gì họ có để đổi lại một cuộc sống thu nhập "ổn định" khiến tạo nên bong bóng việc làm an toàn.
Nhưng cái gai của virus đã châm vỡ "giấc mộng Mỹ"
Đấy là chưa kể lao động gốc Á phải chịu sự kỳ thị khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Nỗi sợ "châu Á - dịch bệnh" khiến những lao động nhập cư này chịu thiệt thòi, bị yêu cầu nghỉ việc hoặc bị đối xử không công bằng. Khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, những hộ kinh doanh tư nhân phải đóng cửa hoặc phá sản. Nếu phải cắt giảm lao động để giải quyết bài toán kinh phí thì những lao động gốc Á này "được ưu tiên" nhận quyết định "nghỉ phép dài hạn". Trang tin CNN Business lấy ví dụ rằng chẳng ai có thể sơn sửa móng tay từ khoảng cách 2m được cả, và không sơn sửa móng tay thì cũng chẳng phải là điều gì quan trọng lắm trong mùa dịch này. Vậy nên, nghỉ việc - đóng cửa tiệm, không ý kiến.
Lao động thất nghiệp xếp hàng nộp đơn xin nhận trợ cấp tại New York
Con đường dài phía trước
Tác động tài chính đến người Mỹ gốc Á có thể thay đổi các khu phố người Hoa khi đại dịch kết thúc. Trong cuộc suy thoái năm 2008, người Mỹ gốc Á có tỷ lệ thất nghiệp dài hạn cao nhất trong số các nhóm, theo một nghiên cứu năm 2012 của Marlene Kim, giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts Boston.
"Tôi dự đoán rằng điều này sẽ xảy ra một lần nữa." Giáo sư Kim nói với trang tin CNN Business. "Tôi nghĩ một phần là do sự phân biệt đối xử nhưng cũng một phần là do những người thuộc sắc tộc khác từ bỏ thị trường lao động, họ thậm chí không tìm kiếm việc làm, còn người gốc Á thì tiếp tục tìm kiếm việc và bị tính là thất nghiệp".
Các nhà kinh tế dự đoán rằng trên toàn nước Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên khoảng 20% vào tháng 6 - tỷ lệ chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
Con số thất nghiệp tăng vọt ở bang New York có thể chỉ là khởi đầu. Và với nhiều người làm việc trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, đặc biệt là lao động gốc Á, thì khó khăn đối với họ dường như sẽ tăng gấp bội, kể cả khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!