Đại dịch COVID-19: Mỹ đối mặt tình trạng thất nghiệp kỷ lục

Tổng hợp-Thứ hai, ngày 11/05/2020 11:50 GMT+7

Trong tháng 3, Mỹ đã mất 870.000 việc làm. Ảnh: AFP

VTV.vn - Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng lên 14,7% vào tháng 4 vừa qua, vượt qua mức kỷ lục từ sau Thế chiến thứ hai là 10,8%.

Bộ trưởng Mnuchin nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao là hệ quả từ việc đóng cửa nền kinh tế do đại dịch COVID-19, không phải do các doanh nghiệp Mỹ hay người lao động Mỹ.

Ông Mnuchin cũng khẳng định, đó là lý do mà chính quyền Mỹ quyết định đưa ra các gói kích thích lớn nhất từ trước đến nay và kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế để vực dậy nền kinh tế đất nước đồng thời hỗ trợ người lao động.

Tính đến ngày 7/5, Mỹ là "ngôi nhà" lớn nhất của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới với hơn 75.000 người tử vong và ghi nhận con số 1,2 triệu ca dương tính với COVID-19.

Trong tháng 3, Mỹ đã mất 870.000 việc làm. Tổng cộng, số việc làm bị mất trong 2 tháng qua đã hơn gấp đôi thời khủng hoảng tài chính (8,7 triệu việc làm).

Với nhiều người Mỹ từng mất việc và nhà ở trong khủng hoảng 2008, tình hình hiện tại đã khơi lại vết thương cũ. Khi đó, Mỹ đã mất nhiều năm mới hồi phục. Và khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại, các công ty đã tạo ra 22,8 triệu việc làm trong 10 năm qua. COVID-19 không chỉ gây ra khủng hoảng về y tế mà còn thổi bay thành tích tạo việc làm suốt cả thập kỷ chỉ trong hai tháng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Fox News, khi được hỏi về số việc làm đã mất trong tháng 4, Tổng thống Donald Trump khẳng định, tất cả việc làm đã mất sẽ sớm được khôi phục.

"Tôi sẽ đưa nền kinh tế và việc làm khôi phục trở lại. Đây đã là điều được lường trước rồi. Đất nước chúng ta là những chiến binh và hơn bao giờ hết, điều chúng ta cần làm bây giờ là phải quay trở lại với công việc".

Giới phân tích cho rằng, đây là hai tháng khủng khiếp với người lao động Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp thực tế có thể còn cao hơn. Một người chỉ được tính là "thất nghiệp" nếu họ mất việc nhưng vẫn tích cực tìm việc mới trong 4 tuần qua hoặc "bị sa thải tạm thời" và sẽ được thuê lại trong vòng 6 tháng.

Mặc dù gói cứu trợ gần 3.000 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ tung ra chỉ riêng trong tháng 3 và hàng nghìn tỷ USD khác được cung cấp bởi Cục Dự trữ Liên bang, vẫn có những lo sợ leo thang rằng việc đóng cửa nền kinh tế tạm thời để ngăn chặn dịch bệnh sẽ là "cái kết vĩnh viễn" cho rất nhiều doanh nghiệp Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước