Rodrigo Guedes (trái) và Tiago Lemos (phải) có những trải nghiệm COVID-19 hoàn toàn khác nhau (Nguồn: Washington Post)
Tháng 4/2020, nỗi lo sợ về COVID-19 bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ của người dân Brazil. Và nó nhanh chóng trở thành lưỡi hái tử thần.
Rodrigo Guedes (38 tuổi), một tiểu thương ở khu ổ chuột và Tiago Lemos (37 tuổi), một bác sỹ giàu có cùng nhập viện vì mắc COVID-19. Hai người đàn ông này đều không chắc ngày được xuất viện.
COVID-19 giống như một ván cờ đỏ - đen, quay vòng vòng khắp thế giới: Ai sống? Ai chết?
Ở phần lớn các quốc gia, những yếu tố quyết định khả năng khỏi bệnh của một bệnh nhân mắc COVID-19 bao gồm tuổi tác, giới tính, bệnh lý nền… Song tại Brazil, điều kiện tiên quyết đó lại nằm ở đẳng cấp xã hội. Tỷ lệ người nghèo chết do nhiễm SARS-CoV-2 đang cao hơn nhiều so với người giàu.
Người giàu thường lựa chọn hệ thống y tế tư với mức độ hiện đại tương đương với các quốc gia phát triển.
Trong khi đó, người nghèo chỉ có thể đến điều trị tại hệ thống bệnh viện công, nơi tình trạng thiếu hụt về nhân lực và thiết bị có thể đặt tính mạng của họ lên bàn cân với tử thần.
Câu chuyện của Lemos và Guedes chính là đại diện cho hai hệ thống trên, đồng thời là hai mặt rất khác của Brazil. Hai người dù sống chung tại thành phố Rio de Janeiro, lớn lên trong cùng một giai đoạn với những đổi thay của quê hương. Mỗi người đều đã vượt qua những thách thức và nắm lấy cơ hội mà thời thế tạo ra.
Thế nhưng giữa họ có một sự khác biệt mang tính quyết định. Lemos có bảo hiểm y tế tư nhân, còn Guedes thì không.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Manaus, Brazil (Nguồn: AFP)
Lemos là một bác sĩ giàu có sống ở Barra da Tijuca, một khu ngoại ô sầm uất và cũng là nơi đặt tư gia của Tổng thống Brazil đương nhiệm Jair Bolsonaro. Còn Guedes gắn bó cả đời ở vùng Rocinha ngay gần đó. Đây chính là khu ổ chuột lớn nhất Brazil, cũng là nơi mà Guedes sở hữu một cửa hàng mắt kính.
Rồi cơn bão mang tên COVID-19 ập tới.
Dịch bùng phát kinh hoàng nhưng phân bổ không đều
Dịch bệnh càn quét với sức tàn phá ngang với siêu bão cấp 5. Hơn 3,1 triệu ca nhiễm xuất hiện tại 98% các thành phố tại Brazil. Hơn 100.000 người đã chết.
Song thật trớ trêu, dịch bệnh giờ lại trở thành một thước đo mới về sự bất bình đẳng ở quốc gia Nam Mỹ này.
Tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 tại những khu ổ chuột cao gấp 3 lần những nơi khác tại Brazil (Nguồn: Washington Post)
Thực tế cho thấy, trong số những bệnh nhân được chăm sóc y tế đặc biệt, những người học vấn thấp có nguy cơ tử vong cao gấp ba lần so với những người có trình độ đại học. Tỷ lệ lây nhiễm virus ở những khu dân cư nghèo cũng cao gấp ba lần so với những khu vực giàu có. Đặc biệt, bệnh nhân da màu có nguy cơ chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cao hơn so với người da trắng.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt về sức khỏe và điều kiện sống đã tạo nên sự bất đồng đều trong sự phân bố của virus.
Người nghèo thường sống trong những khu ổ chuột đông đúc và thiếu vệ sinh, đi kèm với đó là các loại bệnh truyền nhiễm, kéo tuổi thọ trung bình thấp hơn những người giàu đến 10 năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những bất cập tồn đọng trong hệ thống y tế công ở Brazil, vốn được ca ngợi là phép màu của nền y tế ở các quốc gia đang phát triển vì có công suất phục vụ đến 150 triệu người.
Theo Hiệp hội chăm sóc sức khỏe đặc biệt Brazil, khi các bệnh viện công chạm ngưỡng trần số bệnh nhân mà họ có thể điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 được tiếp nhận vào phòng chăm sóc đặc biệt lên đến hơn 50%, trong khi tỷ lệ này ở hệ thống y tế tư nhân chỉ ở mức 29%.
Những vấn đề tồn tại từ trước khi đại dịch nổ ra ở Brazil như tình trạng quan liêu, thiếu hiệu quả, tham nhũng hay tình trạng vô tổ chức khiến Bộ y tế nước này không thể sử dụng số ngân sách mà họ có. Ngay cả khi dịch COVID-19 đang diễn ra, Bộ này cũng mới chỉ giải ngân được khoảng 1/3 ngân sách để chống dịch.
Ông Miguel Nicolelis, bác sĩ và là nhà khoa học nổi tiếng Brazil, nhận xét: "Bộ y tế Brazil chưa bao giờ chuẩn bị kỹ lưỡng cả. Tại thời điểm đỉnh dịch, các bệnh viện công không có đủ vật tư cơ bản như khẩu trang, dược phẩm để đối phó. Điều này khiến chúng tôi bị sốc".
Điều này cũng diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro. Có thời điểm, số lượng bệnh nhân COVID-19 chờ được điều trị lên đến 1.000.
Một cộng đồng dễ bị tổn thương
Bên trong cửa hàng kính của Rodrigo Guedes (Nguồn: Washington Post)
Guedes chưa bao giờ lường trước được về virus SAR-CoV-2 hay chính xác hơn là anh chưa bao giờ nghĩ tới việc điều kiện sinh hoạt thiếu vệ sinh ở Rocinha sẽ trở thành môi trường lý tưởng để chủng virus chết người này sản sinh và phát triển mạnh mẽ, bùng phát thành dịch với tốc độ chóng mặt. 1/4 dân số ở khu ổ chuột này đã dương tính với virus.
Triệu chứng ban đầu xuất hiện ở Guedes chỉ là ho, sau đó cơ thể anh bắt đầu suy nhược và đau đớn, sốt cao rồi kiệt sức. Guedes đến phòng khám nhưng bác sĩ cho rằng không có gì đáng ngại. Nhưng chị Jailma, vợ anh không tin điều đó khi chứng kiến người chồng vốn cơ bắp và khỏe mạnh của mình ngày càng héo mòn.
Guedes yếu đến nỗi anh thậm chí không đủ sức đứng tắm dưới vòi nước. Chị Jailma đưa chồng đến một phòng khám khác và họ phát hiện anh đã mắc COVID-19. Phần lớn phổi của anh đã bị đông đặc.
"Cuộc đời tôi chưa bao giờ sai lầm đến thế"
Tiago Lemos bước đi trong hành lang ở một bệnh viện tư nhân ở phía Tây Rio de Janeiro với tâm trạng bất an. Anh đã dành nhiều tuần liền để đọc các tạp chí y khoa và hướng dẫn đảm bảo an toàn sức khỏe, chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại đại dịch sắp tới. Lemos cũng đã có kinh nghiệm tham gia công tác dập dịch H1N1. Anh cảm thấy bản thân đã sẵn sàng. Nhưng COVID-19 không giống bất kỳ căn bệnh nào anh từng biết.
Tiago Lemos và vợ, chị Juliana, đều là bác sĩ (Nguồn: Washington Post)
Người đàn ông 38 tuổi những tưởng mình sẽ khó bị nhiễm loại virus này bởi anh vẫn còn trẻ và khỏe mạnh. Nhưng khi những cơn ho không có dấu hiệu thuyên giảm và cảm thấy bản thân không thể gượng dậy được nữa, Lemos nhận ra mình đã ngu ngốc như thế nào. Lemos đau đớn nói: "Cuộc đời tôi chưa bao giờ sai lầm đến thế".
Lemos tuyệt vọng nói với vợ: "Anh sắp chết rồi".
Vợ anh, Juliana nói: "Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Anh sẽ vượt qua được mà".
Nhưng cách mà Lemos hiểu về dịch bệnh này không giống cách Juliana nhìn nhận về nó. Lemos tham gia vào chương trình bảo hiểm toàn diện nhất Brazil. Nhưng đó là chưa đủ. Anh biết một gia đình nọ sử dụng dịch vụ bảo hiểm giống chương trình mà anh đang tham gia, cả nhà đều nhiễm virus và cùng được điều trị tại cơ sở y tế tư nhân và tất cả đều không qua khỏi.
"Tôi đang chiến đấu để giành lại sự sống"
Guedes cảm thấy tuyệt vọng khi đến phòng cấp cứu CER Leblon. Những bệnh nhân mới đến thậm chí còn không có giường nằm, cũng không ai đến kiểm tra hay hỏi thăm. Chị Jailma phải tự mình đẩy xe lăn của chồng đi dọc hành lang và hét lên: "Chồng tôi không thở được. Ai đó làm ơn giúp chúng tôi với!".
Guedes trên giường bệnh (ảnh tự chụp) - Nguồn: Washington Post
Tình trạng tại nơi Guedes điều trị tồi tệ đến mức bệnh nhân phải chuyền nhau ống thở. Mỗi người chỉ được thở trong 1-2 phút rồi phải chuyển sang cho người khác, cứ vậy tiếp diễn trong 9 tiếng đồng hồ, tính ra mỗi bệnh nhân chỉ được thở ôxy 10 phút/giờ.
Khi với tay lấy ống thở bên dưới giường bệnh, Guedes nhận ra máy thở đã bị hỏng.
Anh tuyệt vọng nhắn tin cho vợ: "Anh đang chiến đấu để giành lại cuộc sống của mình".
Mọi thứ có thể rất khác nếu điều trị tại bệnh viện tư
Tiago Lemos ý thức rõ tình trạng của mình đang chuyển biến xấu đi nhanh đến mức nào. Đầu tiên là đặt ống nội khí quản, rồi tiếp đến là máy thở và cuối cùng là tỷ lệ sống sót trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Anh nghĩ đêm đó có thể là lần cuối cùng còn nhìn thấy vợ mình. Nhưng Lemos không đủ sức để nói chuyện với Juliana.
Tuy nhiên với "phương pháp điều trị đa chuyên ngành" trong trường hợp của Lemos, đội ngũ y khoa cho anh sử dụng một số thuốc như corticoid, azithromycin, chloroquine, kết hợp các liệu pháp vật lý và kiểm tra thường xuyên.
Tình trạng bệnh nhanh chóng tiến triển tốt hơn chỉ sau vài ngày. Lemos bắt đầu thở nhẹ nhàng hơn và cảm thấy cơ thể đang dần bình phục nhưng anh không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tại sao anh qua khỏi trong khi nhiều người khác thì không?
Còn với Guedes sau 11 ngày nằm viện với một nửa quãng thời gian đó là mê man bất tỉnh, anh chợt nhận ra rằng tại các bệnh viện công, việc thiếu những phương pháp bảo đảm an toàn như khẩu trang và găng tay y tế khiến đội ngũ bác sỹ, y tá e ngại tiếp xúc với các bệnh nhân mắc COVID-19.
Khi một bệnh nhân nào đó cần hỗ trợ, họ sẽ phải hét to lên để mọi người nghe thấy. Nhưng nhiều lúc Guedes gọi khản cổ trong nhiều giờ vẫn không có ai xuất hiện.
Anh tin rằng mọi thứ có thể đã rất khác nếu anh điều trị tại một bệnh viện tư nhân.
Rất may, cuối cùng ông chủ tiệm kính 38 tuổi cũng bình phục.
Anh trở về nhà, ôm vợ con, mở lại cửa hàng, leo lên đỉnh đồi nhìn xuống quang cảnh thân thuộc, nơi trời và biển nhập thành một và nơi mà khu ổ chuột ngoằn ngoèo sát với khu nhà giàu nhưng không bao giờ có thể với tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!