Ngán ngẩm với những bất hạnh ập uống, đau khổ vì chưa có cách nào giải quyết thực tại, đó là những gì mà người dân ở nhiều nơi trên thế giới đang cảm thấy lúc này.
Hai cơn bão lớn đang dồn dập đổ về hai bang miền Nam nước Mỹ là Texas và Lousiana. Trong đó, cơn bão Laura dự kiến đổ bộ ngày hôm nay có sức tàn phá ghê gớm, với những đợt sóng có thể cao đến 6 mét, đẩy nước biển vào sâu tới 50km trong đất liền. Chính quyền gọi đây là tình huống "không thể sống sót" đồng thời ra lệnh sơ tán hơn 600 nghìn dân sinh sống ven biển.
Người dân chuẩn bị các bao cát chắn nước lũ tại New Orleans, bang Louisiana, Mỹ vào ngày 25/8/2020 khi chính quyền cảnh báo về bão Laura. Ảnh: Reutres
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Chúng tôi đang theo dõi sát ảnh hưởng của cơn bão Marco và bão Laura. Hai cơn bão lớn ập tới cách nhau có vài ngày, đây là hiện tượng chưa từng có. Tôi đã phê duyệt quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp".
Ngày 26/8, bang Texas ghi nhận hơn 5.000 ca mắc mới COVID-19. Texas là một trong những bang có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất tại Mỹ. Do ảnh hưởng của cơn bão, nhiều điểm xét nghiệm COVID-19 phải đóng cửa vì sợ bị ngập và mất điện. Hệ thống ứng phó khẩn cấp của bang có thể bị quá tải.
"Cú đấm kép" từ thiên tai và dịch bệnh
Làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai không phải là nỗi lo duy nhất của người Hàn Quốc, quốc gia Đông Bắc Á vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử. Mưa kéo dài 46 ngày liên tiếp gây lũ lụt, lở đất và khiến ít nhất 21 người thiệt mạng.
Thiên tai hoành hành, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh khó kiểm soát, thực tế này đã kéo theo nhiều hệ quả như: giá cả nhiều mặt hàng leo thang, nguy cơ mất an ninh lương thực. Chính phủ một số nước đã bắt đầu tính đến việc tích trữ lương thực để phòng ngừa những kịch bản xấu nhất.
Di chuyển quan tài chứa thi thể nạn nhân COVID-19 đi chôn cất. Ảnh: Getty Images
Gần 45 triệu người ở khu vực phía Nam châu Phi đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực do khủng hoảng kép. Nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh lương thực như: giảm hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hoặc thu mua, nhập khẩu nhiều hơn để dự trữ.
Bên cạnh đó, khủng hoảng kép còn kéo theo suy giảm về khả năng tiếp cận hệ thống y tế của nhiều người dân, khiến gia tăng nguy cơ các dịch bệnh khác bùng phát do vấn đề vệ sinh yếu kém. Các ảnh hưởng về vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân cũng đã được nhiều chuyên gia nhắc tới khi nói về hệ quả của cuộc khủng hoảng kép này.
"Lũ chồng lũ, lũ chồng dịch" tại Trung Quốc
Là tâm dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới và cũng vừa phải hứng chịu thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ qua, Trung Quốc được cho là sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực nặng nề. "Lũ chồng lũ, lũ chồng dịch" đã khiến giá cả nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm ở Trung Quốc tăng liên tục trong thời gian gần đây. Tất cả đã làm cuộc sống của người dân tại quốc gia này thêm chồng chất khó khăn.
Người dân đi thuyền qua một ngôi nhà bị nước lũ nhấn chìm gần hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Nguồn: Reuters
Trung tuần tháng 8, Tứ Xuyên, Trùng Khánh báo động lũ cao nhất, mực nước lũ cao nhất trong vòng hơn 40 năm qua, nhiều con sông nước cao nhất 80 năm qua. Chỉ trong mấy ngày ngập lũ, 260 ngàn người dân Trùng Khánh bị ảnh hưởng nặng nề. Tứ Xuyên thiệt hại nghiêm trọng, nhiều diện tích hoa màu mất trắng.
Hiếm khi cả 2 lãnh đạo cao nhất Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng xuống vùng lũ lụt. Lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, đây là phép thử đối với công tác lãnh đạo và cứu hộ. Thiệt hại sơ bộ từ đầu năm đến nay hơn 26 tỷ USD, 64 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 4 triệu người phải sơ tán khẩn cấp, 219 người chết. Từ đầu năm đến nay, sông Trường Giang đón nhận 5 đợt lũ, đập Thủy điện Tam Hiệp ghi nhận tích nước cao nhất từ trước đến nay, ảnh hưởng đến an nguy của con đập và tính mạng người dân.
Nhiều chuyên gia tính toán, lũ lụt có thể khiến cho sản lượng lương thực giảm 11 triệu tấn. Mặc dù chính quyền trấn an là sẽ không lo thiếu lương thực nhưng gần đây nhiều loại lương thực thực phẩm đã tăng giá mạnh khiến cho cuộc sống người lao động càng thêm khó khăn vì mất việc, mất mùa.
Môi trường và điều kiện sống ở nhiều nơi thay đổi
Đại dịch COVID-19 đã đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, các thảm họa thiên nhiên liên tiếp ập tới. Nhiệm vụ của chúng ta hiện giờ là phải tìm cách để làm sao hạn chế những tiêu cực sẽ còn tiềm ẩn và gia tăng những thay đổi tích cực để tạo những giá trị sống bền vững.
Hồi tháng Tư, Bộ Lao động Mỹ thông báo đã tiếp nhận 6,6 triệu đơn xin trợ cấp mới trong tuần vì dịch bệnh COVID-19. Nguồn: Reuters
Trường học đóng cửa, cửa hàng, trung tâm thương mại vắng khách, chuyển sang hoạt động online, hay ngừng kinh doanh là bức tranh chung của nhiều thành phố trong thời kỳ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới.
Đại dịch COVID-19 đã thu hẹp thị trường lao động, và cả những không gian văn phòng truyền thống, khi công nghệ giảm sự cần thiết của việc tiếp xúc trực tiếp.
Tuy nhiên, những gì đang xảy ra không phải hoàn toàn mới. Thế giới từng đương đầu với dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Cái mới ở đây là dịch COVID-19 xảy ra đồng thời với một cuộc khủng hoảng hiện hữu - đó là tình trạng khẩn cấp khí hậu.
Đạp xe để bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia. Cuộc khủng hoảng kép này cũng dọn đường cho những thay đổi tích cực. Như tại Anh, tận dụng giai đoạn giãn cách xã hội, nhà chức trách khuyến khích người dân đi xe đạp, vừa giảm tiếp xúc trên các phương tiện công cộng, vừa bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Một mạng lưới dành cho xe đạp kết nối các khu dân cư đang được xây dựng, cùng với kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch "thành phố 15 phút" vốn được khởi xướng tại Paris, Pháp.
Các chuyên gia cho rằng, đây là những thay đổi tích cực cần thiết và có thể là bước chuyển cho sự phát triền bền vững ở nhiều nơi trên thế giới sau đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!