Cuộc chiến chống nạn tin giả tại Singapore

Hữu Hưng (PV Đài THVN thường trú tại Singapore)-Thứ tư, ngày 08/05/2019 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Một bộ luật chống tin giả là cách mà Singapore tuyên chiến với những thông tin sai lệch. Ngày 6/5, dự luật chống tin giả đã tiếp tục được đưa ra thảo luận trước Quốc hội.

Có lẽ giờ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nó được thông qua trở thành luật, với những hình phạt rất mạnh tay với nạn tin giả.

Theo dự luật chống tin giả, những cá nhân đăng tin sai sự thật trên các nền tảng xã hội với dụng ý xấu, gây bất ổn xã hội sẽ đối mặt với các biện pháp xử phạt hình sự bao gồm phạt tiền lên đến 74.000 USD và tối đa 10 năm tù.

Dự luật mới cũng yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải đăng cảnh báo, đính chính những bài đăng mang thông tin sai sự thật hoặc dỡ bỏ chúng. Bất kỳ bộ trưởng nào của Singapore cũng có thể chỉ đạo việc chỉnh sửa hoặc gỡ bỏ nội dung hoặc ra lệnh chặn truy cập nội dung bị cấm.

Riêng đối với các công ty công nghệ nếu bị xác định là lan truyền tin giả cũng sẽ đối mặt mức phạt khoảng 740.000 USD.

Có thể thấy, Singapore đang hướng đến những biện pháp rất mạnh tay để đối phó với vấn nạn tin giả. Tuy nhiên, trước dự luật mới này, Facebook và một số tổ chức đại diện cho các công nghệ như Liên minh Internet châu Á lại lên tiếng bày tỏ lo ngại luật trao quyền quá lớn trong kiểm duyệt nội dung, khi mà bất kỳ bộ trưởng nào cũng có thể chỉ đạo gỡ bỏ nội dung hoặc ra lệnh chặn truy cập nội dung bị cấm.

Ở góc độ quản lý nhà nước, rõ ràng một đạo luật mạnh tay với tin giả là điều cần thiết nhưng giới chức Singapore phản ứng như thế nào về những lo ngại này của các mạng xã hội?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ K.Shanmugam cho rằng tự do ngôn luận không bị ảnh hưởng bởi đạo luật này. Theo ông, Luật ở đây chỉ đề cập đến tin tức giả mạo, các bot tạo tin giả mạo, tài khoản giả mạo…

Về việc trao quyền cho bộ trưởng, ông Shanmugam nói là đã có cơ chế tòa án giám sát, nếu bộ trưởng sai, tòa sẽ ra quyết định thay thế.

Với các công ty công nghệ, Bộ trưởng cho rằng ở Singapore, các công ty này phải biết về mối quan tâm của công chúng. Các công ty không nên kiếm lợi trên sự mất mát của người dân. Do đó, luật mới này tạo ra khuôn khổ hoạt động cho các công ty và bảo vệ người dân khỏi tin tức giả mạo. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Singapore tạo ra khuôn khổ luật lệ cho tất cả mọi người và các công ty công nghệ cũng phải có phần trách nhiệm.

Trong khi đó, người dân Singapore không còn lạ gì với tin tức giả mạo và việc bảo vệ người dân trước vấn nạn tin giả là điều cần thiết. Có những lo ngại nhất định về luật này sẽ hạn chế tự do ngôn luận nhưng điều mà người dân muốn biết hơn cả là làm thế nào để phân biệt được đâu là tin tức giả mạo hay các tiêu chí để phân biệt tin tức giả mạo, để từ đó tránh việc vô tình tiếp tay chia sẻ thông tin không đúng sự thật như vậy.

Dự luật hiện vẫn đang được thảo luận ở Quốc hội và người dân theo dõi sát sao các cuộc tranh luận này.

Không chỉ tại Singapore, nhiều quốc gia như Indonesia, Nga và một số nước EU cũng đang bắt đầu siết chặt các cơ chế luật nhằm đối phó nạn tin giả. Các chính phủ đều hiểu rằng nạn tin giả là vấn đề toàn cầu, sẽ không thể phó mặc cho những chính sách kiểm duyệt xử lý tin tức của mạng xã hội mà giờ các nước cần phải tự hành động.

Vấn nạn tin giả trên mạng xã hội ngày càng đáng báo động Vấn nạn tin giả trên mạng xã hội ngày càng đáng báo động EU cam kết chống tin giả trước thềm bầu cử EU cam kết chống tin giả trước thềm bầu cử Facebook triển khai hàng loạt biện pháp chống tin giả mạo Facebook triển khai hàng loạt biện pháp chống tin giả mạo

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước