Cuộc chiến chống ô nhiễm tại Ấn Độ: Nhìn từ thành quả của Trung Quốc

H.M (Theo CNN)-Thứ ba, ngày 21/11/2023 06:31 GMT+7

Bầu không khí

VTV.vn - Tuần trước, hơn 20 triệu người đã phải hít thở bầu không khí sương mù dày đặc và độc hại bao phủ khắp thủ đô Ấn Độ.

Các trường tiểu học buộc phải đóng cửa, phương tiện bị bạn chế di chuyển trên đường và công trình xây dựng bị đình trệ trong bối cảnh New Delhi phủ một màu xám mù mịt, tầm nhìn rất thấp và khiến người dân phải hoảng loạn mua máy lọc không khí.

Đằng sau những cảnh cửa đóng kín, chính quyền tiểu bang và các quan chức liên bang đã họp khẩn để tìm giải pháp làm sạch không khí – sau khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại đây vượt quá 500 – một con số cao đến mức các chuyên gia cảnh báo rằng, nó có thể làm giảm tuổi thọ của người dân đi cả 1 THẬP KỶ.

Đây là điều chưa từng xảy ra ở bất cứ đâu, ngay cả ở chính New Delhi.

Hàng năm, bầu trời ở New Delhi đều chuyển sang màu vàng ô nhiễm, khiến chính quyền phải nỗ lực giải quyết tình trạng. Hàng năm, vào khoảng thời gian này, các tiêu đề về chất lượng không khí tại Ấn Độ chiếm phần lớn diện tích trang đầu trên các mặt báo, cảnh báo quốc gia hơn 1.4 tỷ dân rằng vấn đề sương mù độc hại đang quay trở lại ngày một nguy hại.

Và mỗi năm, nhiều người lại phải thắc mắc về việc tại sao không có gì thay đổi.

Jyoti Pande Lavakare, tác giả cuốn sách "Thở ở đây gây tổn hại cho sức khỏe của bạn: Chi phí của con người do ô nhiễm không khí" và đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Care for Air, nói: "Đó là một kẻ giết người vô hình. Và thật không may, không có đường hướng để giải quyết vấn đề này từ bất cứ bên nào. Không có ai xin lỗi và nói: Cả đất nước đang ô nhiễm và hãy khắc phục nó.

Nhìn từ một câu chuyện thành công

Bầu không khí độc hại ở New Delhi gợi nhớ đến một thủ đô lớn khác của châu Á, cách đây khoảng 1 thập kỷ, thường được biết đến với hình ảnh sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn của cả những tòa nhà chọc trời – Bắc Kinh (Trung Quốc).

Cuộc chiến chống ô nhiễm tại Ấn Độ: Nhìn từ thành quả của Trung Quốc - Ảnh 1.

Bầu không khí mù mịt tại quận trung tâm kinh tế ở Bắc Kinh năm 2013.

Thủ đô của Trung Quốc bằng nhiều chính sách quyết liệt, đã dần lấy lại sự trong lành trong không khí khiến dư luận đặt ra câu hỏi rằng: Nếu Bắc Kinh có thể làm sạch khí quyển thì tại sao Ấn Độ lại không?

Giống như Ấn Độ, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường kinh tế. Và cũng giống như sự phát triển của Ấn Độ, Trung Quốc đã phải trả giá đắt về môi trường: phụ thuộc lớn vào nguyên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp nặng phát thải ồ ạt khiến không khí trở nên mù mịt do ô nhiễm.

Ở Bắc Kinh, thành phố có gần 22 triệu dân, không khí từng tồi tệ đến mức được nhiều người gọi là "ngày tận thế". Các bệnh viện thường tràn ngập bệnh nhân hô hấp và người dân – đặc biệt là các gia đình có trẻ em – tuyệt vọng đến mức, nhiều người đã phải rời thủ đô để tìm việc làm ở khu vực phía nam, thậm chí là ra nước ngoài – để có thể hít thở bầu không khí tốt hơn.

Thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí của Trung Quốc là giai đoạn năm 2012, khi chính phủ bắt đầu đầu tư hàng tỷ USD vào kế hoạch hành động quốc gia về ô nhiễm không khí.

Cuộc chiến chống ô nhiễm tại Ấn Độ: Nhìn từ thành quả của Trung Quốc - Ảnh 2.

Bầu không khí trung lành quanh khu vực tháp CCTV ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2023.

Tiếp theo, Trung Quốc cho triển khai các quy định mới, bao gồm hạn chế số lượng phương tiện trên đường ở các thành phố lớn, thắt chặt giám sát môi trường và kiểm soát khí thải, xây dựng hệ thống trạm giám sát không khí trên toàn quốc, hạn chế than và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng khác.

Ông Frank Christian Hammes – Giám đốc điều hành của IQAir – công ty Thụy Sĩ chuyên theo dõi chất lượng không khí toàn cầu, cho hay Bắc Kinh "đã xem xét vấn đề ô nhiễm không khí một cách nghiêm túc".

"Đó là câu chuyện của điện khí hóa. Trong các nhà hàng và những sạp ăn đường phố, người ta không còn sử dụng than nữa. Các máy phát điện đã chuyển sang sử dụng khí đốt. Tất cả điều này tạo nên sự khác biệt lớn" – ông này cho biết thêm.

Trong một thập kỷ kể từ thời điểm đó, chất lượng không khí tại Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Theo một báo cáo từ Viện Chính sách năng lượng tại ĐH Chicago (Mỹ), mức độ ô nhiễm của quốc gia Đông Á này năm 2021 đã giảm 42% so với năm 2013, trong đó ca ngợi "thành công đáng kinh ngạc trên mặt trận chống ô nhiễm".

Một thập kỷ sau công cuộc tái thiết bầu không khí, Bắc Kinh đã lùi rất xa khỏi danh sách ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới và hiện đứng thứ 27 trong BXH IQAir về chất lượng không khí tốt nhất.

Trong khi đó, New Delhi lại có thêm một tuần nữa vẫn dẫn đầu về chất lượng không khí tồi tệ nhất…

Giải quyết ô nhiễm không khí từ căn bản

Nghiên cứu cho thấy các chính sách làm sạch không khí của Trung Quốc đã rất thành công, cứu sống hàng trăm ngàn sinh mạng.

Trung Quốc đã đi đúng hướng và nhiều người ở Ấn Độ cũng muốn thấy sự cải thiện tương tự ở quốc gia của họ.

"Ấn Độ có sẵn mọi tiềm lực để thay đổi những gì đang xảy ra" – ông Sunil Dahiya từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) ở New Delhi cho hay – "Chúng tôi có khoa học và cả tài chính, nhưng chúng tôi thiếu cách tiếp cận dựa trên động thái giảm thiểu".

Ông lập luận rằng khi bị so sánh với các biện pháp nghiêm ngặt mà Bắc Kinh từng thực hiện để đạt được thành công lâu dài, New Delhi cũng đã rục rịch "có phản ứng".

"Đó không phải là giải pháp" – ông này cho biết thêm.

Theo truyền thống, vào cuối năm sau vụ thu hoạch mùa đông, hàng triệu nông dân Ấn Độ sẽ dọn sạch rơm rạ còn sót lại bằng cách đốt cháy các cánh đồng để chuẩn bị cho vụ lúa mì sắp tới. Điều này cùng với tình trạng ô nhiễm do khói xe và ngành công nghiệp, đã tạo ra lượng sương mù "dồi dào" trên khắp các bang Haryana, Punjab, Uttar Pradesh và New Delhi ở phía Bắc Ấn Độ.

Cuộc chiến chống ô nhiễm tại Ấn Độ: Nhìn từ thành quả của Trung Quốc - Ảnh 3.

Giao thông ì trệ tại New Delhi Ấn Độ trong những ngày tháng 11/2023 vì ô nhiễm không khí.

Hàng chục triệu hộ nghèo tại Ấn Độ cũng tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu rẻ tiền và độc hại để nấu ăn.

Ở cấp độ quốc gia, Ấn Độ đã triển khai Chương trình Không khí sạch vào năm 2019, mở ra các chiến lược trên 24 tiểu bang và vùng lãnh thổ liên minh nhằm giảm 40% nồng độ hạt vật chất vào năm 2025-26. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than, thiết lập hệ thống giám sát không khí và cấm đốt sinh khối.

Theo dữ liệu của chính phủ, một số thành phố Ấn Độ đã cho thấy chất lượng không khí được cải thiện. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc thiếu sự thực thi và phối hợp chặt chẽ đồng nghĩa với tiến độ bị đình trệ.

Để đối phó với tình trạng ô nhiễm dai dẳng ở New Delhi, các quan chức đã thử tưới nước trên đường, hạn chế giao thông bằng cách đặt luật xe biển số lẻ - chẵn, cũng như xây dựng 2 tháp khói trị giá 2.4 triệu USD vào năm 2018 – hoạt động như máy lọc không khí khổng lồ.

Mặc dù không gia tăng, nhưng từ năm 2018 đến năm 2022, nồng độ PM2.5 trung bình của New Delhi (thước đo chất gây ô nhiễm trong không khí), trong tháng 11, khi mùa ô nhiễm bắt đầu, cũng không hề suy giảm.

Chỉ riêng trong tháng 11 này, New Delhi vẫn đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất theo BXH IQ Air trong nhiều ngày. Để giải quyết vấn đề này, thành phố năm nay có kế hoạch tạo mưa nhân tạo để cuốn trôi bụi – một phương pháp được các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia từng áp dụng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết vẫn chưa rõ phương pháp này hiệu quả đến mức nào. Ông Hammes nhận định: "Đây chỉ là giải pháp hỗ trợ. Ấn Độ cần giải quyết các vấn đề cơ bản. Và đó là ngừng đốt sinh khói và chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước