Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran chưa bao giờ hạ nhiệt

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 20/09/2020 10:49 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện này đang trở nên căng hơn bao giờ hết khi nước Mỹ đang gần đến kỳ bầu cử và đối ngoại là lĩnh vực mà Tổng thống Donald Trump muốn ghi điểm.

Còn ở Trung Đông, bầu không khí chính trị cũng đang được thổi những luồng gió mới. Kẻ thù của Iran, Israel đang bình thường hóa quan hệ với nhiều nước Arab. Sức ép chiến lược lên Iran ngày càng lớn. Giữa bối cảnh đó, việc Mỹ xúc tiến các nỗ lực nhằm kéo dài hoặc nối lại các lệnh cấm vận với Iran được coi là một cú đấm mạnh của Washington với Tehran. Về nguyên tắc, các lệnh trừng phạt Iran sẽ hết hạn vào ngày 18/10/2020, dựa theo quy định của thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tehran và các cường quốc đã ký kết hồi năm 2015, nhưng Mỹ kiên quyết muốn kéo dài các lệnh cấm vận này và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) là diễn đàn đa phương quan trọng để Mỹ xúc tiến các nỗ lực của mình.

Ngày 16/9, Mỹ dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán vũ khí của nước ngoài với Iran sau khi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ nhằm vào Tehran chuẩn bị hết hiệu lực.

HĐBA khước từ đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran của Mỹ

Ông Mike Pompeo - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - cho biết: "Mỹ từ chối cho phép Cộng hòa Hồi giáo Iran tiếp cận vũ khí vào ngày 19/10, tức là chỉ một tháng kể từ bây giờ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất Liên hợp quốc tái áp đặt các lệnh trừng phạt để lệnh cấm vận vũ khí sẽ kéo dài vĩnh viễn vào tuần tới".

Trước đó, ngày 25/8, tại HĐBA LHQ, Mỹ đã đưa ra yêu cầu tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran, theo nghị quyết 2231 của LHQ. Nhưng đề xuất của Mỹ đã bị bác bỏ khi Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống và 11 nước khác bỏ phiếu trắng. Mỹ chỉ giành thêm được 1 phiếu ủng hộ của Cộng hòa Dominica.

Ông Dian Triansyah Djani - Đại sứ Indonesia tại LHQ - nói: "Tôi thấy rõ rằng có một thành viên có quan điểm cụ thể về vấn đề này, trong khi có một số lượng đáng kể các thành viên có quan điểm phản đối. Theo quan điểm của tôi, không có sự đồng thuận trong hội đồng, do đó nước chủ tịch không ở vị trí có thể hành động thêm nữa".

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran chưa bao giờ hạ nhiệt - Ảnh 1.

Tông điệu chung của chính quyền Mỹ vốn luôn là không hề loại trừ khả năng tấn công quân sự Iran, nhưng cho đến nay vẫn là gia tăng các trừng phạt! (Minh họa của Bruce Plante trên TulsaWorld.com)

Ngày 16/8, HĐBA khước từ đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran của Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã kích hoạt cơ chế "quy trình đảo ngược" hay còn gọi là snapback, một điều khoản có trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Mỹ thể hiện quyết tâm trừng phạt Iran tới cùng. Là một thành viên thường trực của HĐBA, Mỹ có quyền phủ quyết bất cứ nghị quyết nới cấm vận nào với Iran, khiến không ai có thể cản được cơ chế trừng phạt "snapback".

Ông Saeed Khatibzadeh - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - nhấn mạnh: "Những gì Mỹ nói không có cơ sở pháp lý. Mỹ không còn phải là thành viên của thỏa thuận hạt nhân và họ có cách giải thích luật rất chủ quan. Không ai có thể chấp nhận chúng".

Theo thứ tự chữ cái tiếng Anh, Niger và Nga sẽ là hai nước chủ tịch HĐBA tháng 9 và 10. Khó có khả năng hai nước này có lập trường khác so với Indonesia.

Cho dù LHQ có kéo dài lệnh cấm vận Iran hay không thì Tổng thống Donald Trump cũng sẽ ban hành một sắc lệnh hành pháp cho phép áp lệnh trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ ai mua hay bán vũ khí với Iran. Với biện pháp trừng phạt thứ cấp, nếu một quốc gia có giao dịch với Iran sẽ không thể tiếp cận thị trường Mỹ. Vì thế, cuộc đối đầu vì lệnh cấm vận này không chỉ là câu chuyện của riêng Mỹ và Iran.

Cấm vận vũ khí Iran của Mỹ vượt phạm vi mua hoặc bán vũ khí

Mục tiêu đầu tiên là chính trị, Mỹ thể hiện sự quyết tâm kiềm chế Iran trên tất cả các mặt trận.

Mục tiêu thứ hai là về kinh tế. Từ năm 2015, các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran đã được nới lỏng theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Nhưng được tiếp cận thị trường vũ khí thế giới sẽ là bước ngoặt mới với Iran. Mua bán vũ khí sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại ở những lĩnh vực khác. Ngăn chặn Iran tham gia thị trường vũ khí thế giới cũng có nghĩa là chặn các cơ hội gia tăng của Iran.

Mục tiêu thứ ba có liên quan tới quân sự, đó là khiến Iran không thể có các loại vũ khí tiên tiến và phát triển hợp tác quân sự với các nước như Nga, Trung Quốc, cũng như các nước khác trong khu vực.

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran từ lâu đã vượt ra ngoài khuôn khổ của quan hệ hai nước. Nhiều khi nó trở thành vấn đề quốc tế gây nên sự bất đồng giữa các nước. Khi Iran và các nước nhóm P5+1 trong đó có Mỹ ký kết được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Iran đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, những tưởng cuộc đối đầu này đã có cơ hội hạ nhiệt. Nhưng nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump từ năm 2016 là một sự đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Thời gian qua, thế giới đã chứng kiến những lần đỉnh điểm đối đầu, có khi đưa hai nước tới miệng hố chiến tranh.

Diễn biến căng thẳng quan hệ Mỹ - Iran

Tháng 7/2015: Thỏa thuận hạt nhân được kí kết, lệnh cấm vận được nới lỏng

Năm 2015: Iran và 6 cường quốc đồng ý tham gia Kế hoạch Hành động chung về hạt nhân. Iran cam kết hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy lệnh cấm vận kinh tế được nới lỏng một phần.

Tháng 5/2018: Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

Năm 2018: Tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đã kí năm 2015 và tái áp dụng các biện pháp cấm vận có tác động nặng nề lên kinh tế Iran.

Quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía.

Tháng 5/2019: Iran làm giàu urani. 1 năm sau đó, Iran tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất urani giàu và từng bước giảm bớt các cam kết của nước này trong thỏa thuận 2015.

Tháng 6/2019: Tàu chở dầu bị tấn công ở vùng Vịnh.

Tháng 6/2019: Hai tàu chở dầu bị tấn công tại khu vực Vịnh Oman, Trung Đông. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho Iran đã thực hiện các vụ tấn công này. Iran phủ nhận trách nhiệm.

Tháng 6/2019: Máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rơi.

Không lâu sau, Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ mà Iran cho là đang bay trong không phận nước mình.

Ngày 2/1/2020: Tướng Soleimani của Iran bị Mỹ ám sát.

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran chưa bao giờ hạ nhiệt - Ảnh 2.

Phía Mỹ bước qua một lằn ranh đỏ khi ám sát tướng Soleimani và phía Iran cũng bước qua lằn ranh đỏ khi không kích vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq. (Nguồn: AP)

Căng thẳng Mỹ - Iran lên tới đỉnh điểm sau khi Mỹ dùng máy bay không người lái thực hiện không kích giết chết tướng Qasem Soleimani - tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran khi ông này đến thăm Iraq. Tướng Soleimani còn là một nhân vật quan trọng trong chính quyền Iran và đang chỉ đạo nỗ lực gia tăng ảnh hưởng quân sự của Iran ở Trung Đông.

Ngày 7/1/2020: Iran nã tên lửa và rocket vào căn cứ Mỹ ở Iraq.

Không lâu sau, các căn cứ quân sự tại Iraq có quân Mỹ đồn trú bị trúng hàng chục quả rocket các loại. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này và coi đây là hành động trả thù cho cái chết của tướng Soleimani.

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran vẫn đang tiếp tục tăng nhiệt trên nhiều mặt trận, trong đó có mặt trận ngoại giao khi hai bên liên tục có các tuyên bố nhằm gây sức ép và khơi mào những cuộc chiến ngôn từ bất tận nhằm vào nhau.

Iran đang đáp trả các sức ép thế nào?

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Iran những ngày qua nhắc nhiều tới một câu thành ngữ khá nổi tiếng của nước này. Đó là "Điều tồi tệ nhất là lại đi thách thức một người đã bị thách thức quá nhiều". Nó cũng kiểu như câu thành ngữ "Nắm người có tóc chứ không ai nắm kẻ trọc đầu" của Việt Nam vậy. Và thực tế cho thấy kho vũ khí của Iran thời gian qua, bất chấp có hay không có lệnh cấm vận, cũng đã tăng rất nhanh. Nó vẫn đến một cách bí mật, từ nhiều nguồn khác nhau. Điều đáng nói ở đây là giới quan sát tại Trung Đông cho rằng, thời gian tới, càng đến gần ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, Iran sẽ càng có những bước đi tạo căng thẳng. Mục tiêu là để tạo ra cho cử tri Mỹ ấn tượng về một sự thất bại của Tổng thống Trump trong hồ sơ đối ngoại.

Những ngày qua, giới lãnh đạo của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố cứng rắn, cảnh báo nước này sẽ có các bước đi mới nhằm trả đũa vụ Tướng Soleimani bị thiệt mạng tại Iraq hồi đầu năm, sau vụ tấn công của máy bay Mỹ. Người ta lo ngại, có thể những tuần tới lại sẽ có một cuộc tấn công như vụ tấn công bằng tên lửa của Iran vào căn cứ Mỹ tại Iraq chẳng hạn. Hoặc cũng có thể là cuộc tấn công của các lực lượng thân Iran vào các cơ sở của Mỹ tại Trung Đông.

Trong bối cảnh mới của Trung Đông hiện nay, Mỹ thúc đẩy các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa thế giới Arab và Israel, gọng kìm thù địch của Mỹ với Iran rõ ràng đang tăng lên.

Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử

Việc cấm vận Iran đang đứng trước những khúc quanh bất ngờ. Có thể nói, trong vấn đề này, cộng đồng quốc tế đang bị chia thành hai phía. Một bên là Mỹ, muốn áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt Iran, còn các nước khác trong nhóm P5+1 thì phản đối vì vẫn muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015. Một điều nguy hiểm là nếu Mỹ tiếp tục muốn kích hoạt cơ chế snapback, buộc LHQ tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt Iran, thì đây có thể trở thành một cuộc khủng hoảng lịch sử với cộng đồng quốc tế.

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran chưa bao giờ hạ nhiệt - Ảnh 3.

Iran chỉ trích liên minh do Mỹ dẫn đầu gây sự bất an toàn cầu. Trong ảnh: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi.

Động thái của Mỹ đang mở ra một cuộc tranh cãi kéo dài, và cuối cùng có thể sẽ làm suy yếu vai trò của LHQ với tư cách là một định chế. Trước tình hình này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa nhóm P5+1 và Iran để bàn về hồ sơ Iran. Theo Tổng thống Nga, mục đích của thượng đỉnh này là nhằm ấn định các biện pháp giúp tránh xảy ra một cuộc đối đầu và tránh để tình hình tại HĐBA ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, các bên còn lại liên tục có những cuộc họp nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran trong bối cảnh Tehran đã từng bước nối lại hoạt động hạt nhân từ năm ngoái.

Ông Fu Cong - Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho biết: "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức đoàn kết với cộng đồng quốc tế để đánh bại âm mưu phá hoại và tiêu diệt thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ".

Ưu tiên hàng đầu của các nước châu Âu là duy trì thỏa thuận hạt nhân, mà xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí là một điều khoản bắt buộc. Anh, Đức và Pháp đã ra thông cáo chung khẳng định sẽ không ủng hộ yêu cầu tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran do Mỹ đề xuất.

Như một phần nỗ lực của châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran bên bờ sụp đổ, các nước châu Âu đã lên kế hoạch chi 15 tỷ USD để tài trợ cho Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) với Tehran, một cơ chế thanh toán nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại với Iran và giúp Tehran "né" các biện pháp trừng phạt của Washington.

Iran đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận thêm 14 tháng kể từ lúc Mỹ rút. Song với áp lực từ trong nước khi nền kinh tế bị ảnh hưởng và để phản ứng trước tình thế bởi thỏa thuận không thể giữ vững, Tehran bắt đầu có các động thái vi phạm thỏa thuận.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell thừa nhận rằng, nếu không có thỏa thuận hạt nhân, Iran đã có thể phát triển vũ khí hạt nhân, gây thêm nguồn bất ổn khác cho một khu vực đầy biến động.

Căng thẳng Mỹ - Iran và cuộc đua vào Nhà Trắng Căng thẳng Mỹ - Iran và cuộc đua vào Nhà Trắng Dư luận thế giới và Mỹ trước mối đe dọa trả đũa từ Iran Dư luận thế giới và Mỹ trước mối đe dọa trả đũa từ Iran Mỹ tiến hành hàng loạt vụ không kích nhằm vào lực lượng thân Iran tại Syria và Iraq Mỹ tiến hành hàng loạt vụ không kích nhằm vào lực lượng thân Iran tại Syria và Iraq

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước