Bài báo cho biết, từ quan chức chính phủ, doanh nhân trong ngành hàng không vũ trụ đến các giám đốc điều hành trong danh sách Fortune 500 đều đang nói đến cơ hội phát triển của ngành công nghiệp này.
Họ có lý do để lạc quan khi các nước đều đẩy mạnh hoạt động khám phá vũ trụ trong năm nay nhằm sớm giành ưu thế ở lĩnh vực còn mới mẻ này.
Đầu năm 2020, Tổng thống Donald Trump yêu cầu Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA phải tăng tốc dự án đưa người Mỹ trở lại Mặt trăng mang tên sứ mệnh Artemis trước năm 2024.
Trước đó, Mỹ đã thành lập "Bộ tư lệnh không gian" mang tên SpaceCom. SpaceCom kiểm soát mọi hoạt động trong không gian của các quân chủng Mỹ, đảm bảo cho sự thống trị của Mỹ trong không gian không bao giờ bị đe dọa.
Tổng thống Donald Trump cũng đề nghị Quốc hội Mỹ đầu tư thêm 8 tỷ USD cho các hệ thống an ninh vũ trụ của Mỹ trong 5 năm tới.
Về phía Nga, nước này đặt mục tiêu xây trạm không gian quốc gia đầu tiên của Nga trên quỹ đạo Mặt Trăng vào năm 2025. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẽ tái khởi động chương trình đưa người lên Mặt Trăng và Sao Hỏa trong những năm tới. Sứ mệnh Sao Hỏa đầu tiên sẽ được khởi động bằng cách gửi tàu đổ bộ lên hành tinh đỏ và hi vọng đưa người lên ngay sau đó. Ước tính mỗi năm, Nga đã chi khoảng 3 tỷ USD cho các chương trình không gian dân sự.
Ấn Độ là 1 cái tên mới trong cuộc đua không gian nhưng có những tham vọng lớn. Đầu năm 2020, Ấn Độ tuyên bố nối lại kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng với tàu vũ trụ Chandrayaan-3. Phiên bản trước đó của con tàu này mang tên Chandrayaan-2 vào năm 2019 đã gần thực hiện được mục tiêu này, khi bay được vào quỹ đạo của mặt trăng. Hiện chỉ mới Nga, Mỹ và Trung Quốc thực hiện thành công sứ mệnh đưa tàu đổ bộ lên bề mặt mặt trăng.
Và một kế hoạch lớn hơn, Ấn Độ đặt mục tiêu phóng trạm vũ trụ của riêng mình vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!