Tác giả "Thế giới phẳng": Việt Nam đạt được sự cân bằng mà các nước đều muốn trong cuộc chiến chống COVID-19

Thùy Trang, Nguyễn Hoàng-Thứ hai, ngày 25/05/2020 18:06 GMT+7

VTV.vn - Nhà báo Thomas Friedman khẳng định Việt Nam đã cùng lúc làm được hai điều là cứu nhiều người và giữ được nhiều việc làm trong cuộc chiến chống COVID-19.

Nhà báo Thomas Friedman là tác giả các cuốn sách bán chạy nhất thế giới vốn đã quen thuộc với nhiều độc giả Việt Nam như Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây ô liu… Ông là người đã đưa ra khái niệm thế giới phẳng nổi tiếng để nói về một thế giới mới khi thông tin và hội nhập đã xóa nhòa những khoảng cách.

Là nhà báo 3 lần đoạt giải Pulitzer, Thomas Friedman mang đến góc nhìn riêng sắc sảo của ông về cách con người chiến đấu với virus trong cuộc khủng hoảng COVID19 lần này.

Lần đầu tiên trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, BTV VTV đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Thomas Friedman - Tạp chí New York Times về cuộc khủng hoảng COVID-19 và việc bảo vệ hệ sinh thái.

Tác giả Thế giới phẳng: Việt Nam đạt được sự cân bằng mà các nước đều muốn trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 1.

Nhà báo - tác giả Thomas Friedman

BTV Thùy Trang: Xin trân trọng cám ơn Nhà báo Thomas Friedman đã tham gia chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Thế giới đang trong một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ với một kẻ thù hoàn toàn khác so với các cuộc chiến trước đây, mà ông gọi là cuộc chiến với "Mẹ thiên nhiên". Vậy sự khác biệt ở đây là gì?

Nhà báo Thomas Friedman: Sự khác biệt lớn ở đây là khi chúng ta chiến đấu với Mẹ thiên nhiên, chúng ta không thể giành phần thắng. Điều chúng ta nhìn thấy từ con virus này (SARS-CoV-2), đó là một trong những thử thách của thiên nhiên đối với tất cả các loài, thực vật, động vật và con người. Và trong cuộc chiến này, phần thắng không thuộc về người khỏe nhất, cũng không thuộc về người thông minh nhất, mà được trao cho người có khả năng thích nghi cao nhất.

Thiên nhiên mang tính chất hóa học, sinh học và vật lý. Vì vậy, nếu phản ứng lại với thiên nhiên bằng tư tưởng, bằng chính trị hay những mâu thuẫn trong đầu, bạn sẽ là người chịu trận. Cách phản ứng trong cuộc khủng hoảng lần này cần dựa trên đặc điểm hóa học, sinh học và vật lý, và đó là cách để con người thích nghi.

BTV Thùy Trang: Trong những bài bình luận gần đây, ông đã đặt ra câu hỏi về chiến lược "miễn dịch cộng đồng", phân tích sự khác biệt giữa các xã hội có sự kiểm soát chặt,và các xã hội kiểm soát lỏng. Theo ông, đâu là cách tiếp cận phù hợp hơn để vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay?

Nhà báo Thomas Friedman: Đúng là về cơ bản, có sự khác biệt về văn hóa giữa hai kiểu xã hội này, kiểu kiểm soát chặt và kiểu kiểm soát lỏng, theo nghiên cứu của một giáo sư Trường Đại học Maryland. Kiểm soát chặt là từ trên xuống, tuân thủ luật lệ, tôn trọng luật pháp và đề cao tính tập thể. Kiểm soát lỏng là từ dưới lên, đề cao tính cá nhân hơn và ít tuân thủ luật lệ hơn.

Và những gì chúng ta đang chứng kiến cho thấy, trong đại dịch, cách kiểm soát chặt đang phát huy hiệu quả hơn so với kiểm soát lỏng. Những nơi làm chặt như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam hay Đức đang làm tốt hơn những nơi để lỏng như Italia, Tây Ban Nha và Mỹ.

BTV Thùy Trang: Ông vừa đề cập đến Việt Nam, vậy ông đánh giá như thế nào về cách chống dịch của Việt Nam trong cuộc khủng hoảng COVID-19?

Nhà báo Thomas Friedman: Qua tất cả những gì tôi đã đọc được, Việt Nam đã và đang làm tốt, đạt được sự cân bằng mà các nước đều mong muốn, đó là cứu được nhiều người nhất mà vẫn giữ được nhiều việc làm nhất. Cho đến nay Việt Nam đang làm tốt cả hai việc đó.

Tác giả Thế giới phẳng: Việt Nam đạt được sự cân bằng mà các nước đều muốn trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 2.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch COVID-19

BTV Thùy Trang: Thế giới có thể rút ra bài học gì từ cuộc chiến COVID-19, thưa ông?

Nhà báo Thomas Friedman: Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là chúng ta hiểu được virus này từ đâu ra. Nó đã xuất hiện là vì con người đã xâm phạm hệ sinh thái trên khắp thế giới.

Con người đã giết hại các con thú ăn thịt bậc cao, chẳng hạn để lấy sừng tê giác hay lông hổ. Do đó, hệ sinh thái bị mất cân bằng, chỉ còn lại những loài bậc trung như dơi, như chuột hay khỉ và các loài linh trưởng khác mặc sức sinh sôi.

Cứ tiếp tục như thế, những loài như dơi, chuột và khỉ sẽ xâm nhập môi trường sống của con người, vào các khu chợ. Chúng mang theo những virus mà lẽ ra chỉ phát triển trong môi trường hoang dã thì nay len lỏi vào thế giới con người. Chúng ta cần rất thận trọng, không nên tiếp tục làm như thế nữa.

BTV Thùy Trang: Xin trân trọng cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước