Lửa bùng cháy trong khu rừng quốc gia Klamath ở California, Mỹ. (Ảnh: UN)
Diễn đàn về khí hậu CVF cho biết, chưa đầy một nửa số quốc gia đưa ra cam kết hành động khí hậu trong năm 2020 đáp ứng mục tiêu này vào cuối năm ngoái. Đại dịch COVID-19 đã làm chậm lại các nỗ lực của các quốc gia và thúc đẩy sự khẩn trương trong kế hoạch chống biến đổi khí hậu.
Năm ngoái, đã có 73 quốc gia trình kế hoạch khí hậu mới lên Liên Hợp Quốc nhằm đáp ứng hạn chót trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong số các kế hoạch được cập nhật, có 69 nước đưa ra các cam kết khí hậu tham vọng hơn, hay đẩy mạnh các nỗ lực cắt giảm khí thải nhằm ứng phó với tình trạng thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Các quốc gia tích cực bao gồm Anh, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và một số nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, lệnh đóng cửa do đại dịch COVID-19 đã buộc Anh phải hoãn Hội nghị thượng đỉnh thường niên của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26). Các cuộc thảo luận này dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Sự chậm trễ này cùng với việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã khiến một số nước phát thải lớn trên thế giới, trong đó có Trung Quốc tạm dừng việc hoàn tất kế hoạch.
Ông Saleemul Huq - Chủ tịch nhóm chuyên gia tham vấn CVF: "Các nước cần thể hiện tham vọng khí hậu rõ ràng hơn trong năm 2021, qua đó đem lại lợi ích cộng đồng trong bối cảnh các nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19".
Theo Liên Hợp Quốc, nhiệt độ thế giới đã tăng thêm 1 độ C và đang trên đà tăng thêm 3 độ C trong thế kỷ này. Điều này đòi hỏi các nước phải có mục tiêu tham vọng hơn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!