Đàm phán hạt nhân Iran bế tắc trước thời hạn chót

Phương Thảo-Thứ hai, ngày 24/11/2014 05:00 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif bắt tay trong cuộc họp tại Muscat, Oman hôm 9/11. (Ảnh: AP)

Giới phân tích tỏ ra không mấy lạc quan về một thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 khi thời hạn chót đã gần kề.

Hôm nay (24/11) là thời hạn chót mà Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) đặt ra để đạt được một thỏa thuận toàn diện cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Trong lúc này, các nhà ngoại giao đang chạy đua với thời gian để thu hẹp bất đồng giữa các bên tham gia đàm phán. Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra không mấy lạc quan sau khi các cuộc đối thoại cho thấy, khó có thể đạt được bước đột phá vào thời hạn chót.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang trong những nỗ lực ngoại giao cuối cùng để thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran. Chỉ trong vòng 3 ngày, ông Kerry đã có tới 4 cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif nhằm thu hẹp những “khoảng cách lớn” đang tồn tại trong quan điểm của các bên.

Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao này dường như vẫn là chưa đủ khi mà thời hạn chót đang đến rất gần còn Iran và các nước phương Tây vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trên các vấn đề cốt lõi: như khả năng làm giàu urani của Iran hay việc dỡ bỏ những trừng phạt đối với Tehran.

Các nhà ngoại giao cho rằng, một thỏa thuận khung vẫn có thể đạt được, nhưng cần nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng sau đó để nhất trí tất cả các chi tiết quan trọng cho thỏa thuận.

Mỹ bày tỏ mong muốn có một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran trước hạn chót, nhưng cũng bắt đầu xem xét những phương án tối ưu khác. Trong khi đó, hãng tin AFP trích một nguồn tin Iran cho biết Tehran sẵn sàng kéo dài thời hạn của các cuộc đàm phán thêm tối đa là 1 năm nữa.

Một thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran được kì vọng có thể giúp chấm dứt những tranh cãi và bất đồng lâu nay giữa Iran và phương Tây, cũng như giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Hồi giáo này.

Tuy nhiên, việc các bên không chịu nhượng bộ lẫn nhau, có khả năng sẽ đẩy cuộc đàm phán vào một vòng luẩn quẩn không có điểm dừng, trong khi triển vọng đạt được một thỏa thuận cuối cùng sẽ trở nên mờ mịt hơn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước