Dầu khí và than đá đóng góp 1/3 sản lượng điện của EU

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 31/08/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ tại châu Âu đã giúp Liên minh châu Âu giảm tỉ trọng than đá và dầu khí trong sản xuất điện.

Liên minh châu Âu nỗ lực đoạn tuyệt với than đá, dầu mỏ và khí đốt, dịch chuyển mạnh mẽ sang gió và nắng, là những nguồn năng lượng thiên nhiên sẵn có. Tháng Tư năm nay, lãnh đạo các nước châu Âu xung quanh Biển Bắc đã cam kết đẩy nhanh xây dựng các trụ turbin ngoài khơi, nhằm tăng gấp 4 lần sản lượng điện gió. Ngay từ năm nay, điện gió đã đóng góp tới gần 1/4 tổng sản lượng điện nhờ thời tiết thuận lợi, gió nhiều và đều tại Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Đan Mạch và cả Na Uy - nước bên ngoài Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store: "Chúng tôi có thể đóng góp nhiều, vì chúng tôi có đường bờ biển, có gió và chúng tôi có công nghệ chế tạo những vật liệu có thể chịu được áp lực của gió biển và nước biển. Hôm nay, chúng tôi đã ký một liên minh xanh, giữa Na Uy và Liên minh châu Âu. Chúng tôi đã chuẩn bị một năm cho liên minh này, Na Uy đã tích hợp các mục tiêu khí hậu, nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris, cùng với Liên minh châu Âu".

Bắc Âu có cái gió, Nam Âu có cái nắng. Điện mặt trời hè năm nay đã giải cứu các nước Nam Âu, khi những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài làm tăng nhu cầu làm mát. Chỉ riêng năng lượng mặt trời đã tạo ra 14% lượng điện của toàn châu Âu trong tháng Năm, mức cao nhất từ trước tới nay. Ngay cả khi không có ánh nắng, điện mặt trời vẫn vượt qua điện than, giờ chỉ tạo ra 1/10 tổng sản lượng điện.

Dầu khí và than đá đóng góp 1/3 sản lượng điện của EU - Ảnh 1.

Ông Duarte Bello - Giám đốc Điều hành Tập đoàn điện lực EDP Renováveis: "Đây là dự án đầu tiên mà chúng tôi thực hiện ở bán đảo Iberia, kết hợp giữa gió và mặt trời. Chúng tôi đã làm chủ hai công nghệ này cách đây 5 năm, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi kết hợp hai công nghệ, cho phép chúng tôi tận dụng cơ sở hạ tầng trên các kết nối hiện có tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha".

Nắng nóng hè năm nay có lợi cho điện mặt trời thì lại bất lợi cho thủy điện và điện hạt nhân. Mực nước các dòng sông quá thấp kìm hãm sản lượng thủy điện và giảm hiệu suất làm mát cho lò phản ứng hạt nhân. Trong kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, Liên minh châu Âu ít khi nhắc tới thủy điện và hạt nhân. Gió và nắng đang và vẫn sẽ là nền tảng trong chính sách năng lượng.

EU tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo

Năm nay, các nước châu Âu chứng kiến thời tiết cực đoan, mà đỉnh điểm là những ngày nóng hơn 40 độ, các đợt nóng dày hơn và kéo dài hơn tại các nước Nam Âu. Ở các nước phía Bắc như Bỉ và Hà Lan thì mùa hè lại quá mát mẻ, mưa gió nhiều hơn mọi năm, cũng là một dạng bất thường. Nhờ số ngày gió nhiều hơn, cho nên điện gió đã tăng trưởng mạnh tại các nước phía Bắc, nhờ nắng nóng kéo dài nên các nước phía Nam thêm được nhiều điện mặt trời.

Dầu khí và than đá đóng góp 1/3 sản lượng điện của EU - Ảnh 2.

Tuy nhiên, lý do chính vẫn là từ hơn một năm nay, Liên minh châu Âu đầu tư ồ ạt cho năng lượng tái tạo, nay đã thấy hiệu quả ban đầu, lý do nữa là nhu cầu điện sụt giảm, cho phép giảm tỉ trọng điện từ than đá và khí đốt.

Thách thức trong đảm bảo nguồn cung năng lượng

Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu. Không thể đoán chắc rằng năm nào cũng có những yếu tố thuận lợi như từ đầu năm tới nay. Trong thư gửi Ủy ban châu Âu vào tuần trước, đại diện quyền lợi của các tập đoàn năng lượng đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo phải kết hợp với tăng năng lực lưu trữ. Chúng ta biết rằng điện đã sản xuất ra thì phải sử dụng, không thể để dành cho những ngày không nắng ít gió, nếu như không có các hệ thống lưu điện. Một thách thức đã được nói tới nhiều là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp năng lượng, đất hiếm và kim loại đặc chủng, vẫn là thứ mà châu Âu không tự chủ hoàn toàn.

Thúc đẩy năng lượng sạch không chỉ là ưu tiên của riêng châu Âu mà là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới hiện nay. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, ngành điện trên toàn thế giới đã tiết kiệm được 520 tỷ USD chi phí nhiên liệu vào năm ngoái nhờ việc nhanh chóng mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo.

Lo ngại khủng hoảng năng lượng và giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao đã thúc đẩy đáng kể khả năng cạnh tranh của năng lượng tái tạo, giúp chúng ta không những có nguồn năng lượng sạch mà còn tiết kiệm hơn.

Nhà sản xuất điện lớn nhất của Đức sẽ ngừng sử dụng than đá vào năm 2030 Nhà sản xuất điện lớn nhất của Đức sẽ ngừng sử dụng than đá vào năm 2030

VTV.vn - Ngày 4/10, Tập đoàn năng lượng RWE - nhà sản xuất điện lớn nhất của Đức - tuyên bố sẽ chấm dứt sản xuất điện bằng than đá vào năm 2030.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước