Dịch bệnh tại châu Á có dấu hiệu cải thiện, Anh và Nga đang là điểm nóng

Theo TTXVN-Thứ ba, ngày 19/10/2021 06:00 GMT+7

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 25/9/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

VTV.vn - Tính đến sáng nay, thế giới ghi nhận 241,5 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 4,91 triệu trường hợp tử vong.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 77,97 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 61,62 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận 55,05 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,14 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,50 triệu ca nhiễm) và châu Đại Dương (276.844 ca nhiễm).

Tình hình dịch bệnh tại châu Á đã có những dấu hiệu cải thiện, nhờ đó, các nước dần dỡ bỏ và nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch, từng bước khôi phục trạng thái bình thường mới và sống chung an toàn với COVID-19.

Singapore thông báo từ ngày 19/10, nước này miễn quy định cách ly đối với hành khách nhập cảnh từ 8 nước đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 gồm Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ. Với hơn 80% dân số đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, giữa tháng 9 vừa qua, Singapore đã chính thức nối lại hoạt động du lịch quốc tế cho hành khách đã tiêm chủng từ Đức và Brunei trong khuôn khổ chương trình "Vaccinated Travel Lane" (Hành lang đi lại cho người đã tiêm chủng). Theo chính sách này, hành khách sẽ không phải thực hiện cách ly nếu đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi khởi hành và khi đến Singapore. Một chương trình tương tự với Hàn Quốc dự kiến được triển khai từ ngày 15/11.

Dịch bệnh tại châu Á có dấu hiệu cải thiện, Anh và Nga đang là điểm nóng - Ảnh 1.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Vientiane, Lào, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Campuchia, lệnh nới lỏng thời gian cách ly phòng dịch COVID-19 chính thức có hiệu lực từ ngày 18/10. Theo đó, nước này có điều chỉnh quy định phòng dịch, đặc biệt là thời gian cách ly rút ngắn được áp dụng cho tất cả du khách nhập cảnh qua tất cả các cửa khẩu biên giới. Với du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, thời gian cách ly 3 ngày được áp dụng với nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật (cả công dân Campuchia lẫn người nước ngoài), nhà ngoại giao, nhân viên dự án hợp tác và công chức công tác trở về (bao gồm cả thành viên gia đình); thời gian cách ly cho du khách thông thường (cả người Campuchia và nước ngoài) là 7 ngày. Với trường hợp chưa tiêm, hoặc tiêm chưa đủ liều, bắt buộc phải cách ly đủ 14 ngày. Bên cạnh đó, tất cả du khách phải mang đủ các giấy tờ liên quan, gồm giấy chứng minh sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm ngay khi tới bất kỳ cửa khẩu nào của Campuchia.

Trong khi đó, từ tháng sau, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ dỡ bỏ hoàn toàn quy định yêu cầu các nhà hàng và quán bar rút ngắn thời gian hoạt động tới trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Daishiro Yamagiwa cho biết thêm Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị để nới lỏng hơn nữa quy định cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào nước này có chứng chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Bên cạnh một số nước thực hiện việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, một số nước châu Á khá thận trọng khi quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp để bảo vệ thành quả đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian qua.

Chính phủ Indonesia tiếp tục gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 từ ngày 19/10 đến ngày 2/11 tại Java và Bali và từ 19/10 đến ngày 8/11 tại các địa phương nằm ngoài hai hòn đảo đông dân này. Trong khi đó, Chính phủ New Zealand tuyên bố thành phố Auckland lớn nhất nước này tiếp tục thực hiện phong tỏa cấp độ 3 thêm 2 tuần nhằm khống chế tốc độ lây lan của biến thể Delta.

Dịch bệnh tại châu Á có dấu hiệu cải thiện, Anh và Nga đang là điểm nóng - Ảnh 2.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moscow, Nga, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, Anh và Nga đang là điểm nóng của dịch COVID-19. Tình hình dịch bệnh tại Anh đang có dấu hiệu phức tạp khi nước liên tục ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Ngày 17/10, Anh ghi nhận 45.140 ca mắc mới, 57 ca tử vong và 915 ca nhập viện. Trong vòng 7 ngày qua, tỷ lệ ca mắc mới ở nước này đã tăng 15% lên gần 300.100 ca, trong khi số ca tử vong và nhập viện tăng lần lượt 8,5% và gần 7% lên 852 ca và 5.559 ca. So với các nước châu Âu, Anh ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm theo ngày cao hơn đáng kể, với 495 ca/1 triệu người, so với 137 ca/1 triệu người tại 27 nước Liên minh châu Âu (EU).

Giới chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc COVID-19 cao tại Anh. Thứ nhất, Anh là quốc gia đầu tiên dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 từ ngày 19/7, sớm hơn rất nhiều so với các nước châu Âu khác.

Cùng ngày 18/10, Nga ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 34.325 ca - cao nhất từ trước tới nay. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 8.027.012 ca, trong khi số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi lên tới 224.310 ca sau khi ghi nhận thêm 998 ca trong 24h qua.

Dịch bệnh có dấu hiệu cải thiện tại các nước châu Á Dịch bệnh có dấu hiệu cải thiện tại các nước châu Á

VTV.vn - Tính đến sáng nay, thế giới ghi nhận hơn 235 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 4,8 triệu trường hợp tử vong.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước