Nóng trong tuần: Thuốc điều trị COVID-19 khẳng định hiệu quả, WHO khuyến nghị về mũi vaccine tăng cường

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 15/10/2021 11:48 GMT+7

VTV.vn - Trong tuần qua, một số loại thuốc điều trị COVID-19 có hiệu quả tốt đã được xác định, thế giới cũng đã làm rõ đối tượng, thời gian triển khai mũi tiêm vaccine tăng cường.

Xác định thêm những loại thuốc điều trị COVID-19

Cùng với vaccine, thuốc điều trị COVID-19 là vũ khí không thể thiếu để chiến thắng dịch bệnh. Tuy nhiên, không giống như vaccine, thuốc điều trị COVID-19 được cho là sản xuất ít tốn kém hơn, đồng thời dễ bảo quản hơn. Thuốc có thể được phân phối rộng rãi với số lượng lớn tới các hiệu thuốc, phòng khám mà không đòi hỏi những điều kiện đặc biệt như đối với vaccine. Đó là lý do các hãng dược phẩm đang tiếp tục gấp rút điều chế và xin cấp phép các loại thuốc điều trị COVID-19.

Công ty dược phẩm Merck của Mỹ và đối tác hôm 11/10 đã chính thức nộp đơn đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir để điều trị COVID-19. Dữ liệu nghiên cứu được công bố đầu tháng 10 cho thấy, viên uống Molnupiravir giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong ở người mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa.

Nếu được phê duyệt, đây sẽ là loại thuốc uống điều trị COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng. Hiện hãng Merck đã bán 1,7 triệu liệu trình cho Chính phủ Mỹ và dự kiến sản xuất 10 triệu liệu trình vào cuối năm nay. Merck tuyên bố sẽ bán với những mức giá thấp hơn cũng như hợp tác với các công ty sản xuất ở các nước để tạo điều kiện cho những quốc gia thu nhập thấp và trung bình tiếp cận được với thuốc Molnupiravir.

Nóng trong tuần: Thuốc điều trị COVID-19 khẳng định hiệu quả, WHO khuyến nghị về mũi vaccine tăng cường - Ảnh 1.

Molnupiravir có thể sẽ là loại thuốc uống điều trị COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, loại thuốc kết hợp 2 loại kháng thể của hãng AstraZeneca mang tên AZD7442 cho thấy hiệu quả trong việc ngăn bệnh nhân COVID-19 trở nặng và tử vong khi được dùng trong vòng một tuần kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Thuốc được sử dụng để hỗ trợ những người không có được phản ứng miễn dịch đủ mạnh sau khi tiêm vaccine COVID-19, chủ yếu là người ghép tạng hoặc đang điều trị ung thư. AstraZeneca hồi tuần trước cũng đề nghị FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho AZD7442 như là loại thuốc phòng COVID-19.

Thuốc kháng thể đơn dòng Ronapreve đang được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu xem xét cấp phép lưu hành để điều trị và phòng nguy cơ mắc COVID-19 ở người trên 12 tuổi. Theo Roche, hãng đồng phát triển thuốc, thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy, tỷ lệ phải nhập viện và tử vong của các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Ronapreve giảm tới 70%. Thuốc này hiện đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở hơn 20 quốc gia.

Mũi vaccine tăng cường: Chỉ nên thêm "áo phao" cho người cần!

Vaccine phòng COVID-19 luôn bị thiếu, do đó, cuộc tranh cãi về việc có tiêm liều vaccine tăng cường và nếu có thì tiêm cho ai, khi nào vẫn chưa đến hồi kết ở tất cả các quốc gia. Các chuyên gia y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này cuối cùng đã đưa ra kết luận: cần tiêm mũi vaccine tăng cường, nhưng không cần thiết phải tiêm cho tất cả mọi người.

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, những người bị suy giảm miễn dịch ở mức từ trung bình đến nghiêm trọng nên được tiêm liều vaccine tăng cường vì cơ thể của họ ít có khả năng sinh kháng thể đầy đủ nếu chỉ được tiêm vaccine theo liệu trình cơ bản, trong khi đây còn là những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 thể nặng. Các chuyên gia của WHO một lần nữa nhấn mạnh, đây mới là những đối tượng nên được tiêm liều tăng cường, không phải toàn bộ dân số nói chung.

Theo bà Kate O'Brien, Giám đốc Chương trình miễn dịch của WHO: "Việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người đã có phản ứng miễn dịch đầy đủ giống như mặc hai áo phao cho một người, trong khi những người khác không có chiếc áo phao nào cả. Do vậy, chúng tôi đề xuất mặc thêm áo phao cho những người bị suy giảm miễn dịch trước tiên".

Nóng trong tuần: Thuốc điều trị COVID-19 khẳng định hiệu quả, WHO khuyến nghị về mũi vaccine tăng cường - Ảnh 2.

Cần tiêm mũi vaccine tăng cường, nhưng không cần thiết phải tiêm cho tất cả mọi người. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, WHO khẳng định, quyết định cuối cùng liên quan đến mũi tiêm tăng cường phải do cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia đưa ra.

Hiện một số nước như Mỹ, Italy, Pháp, Đức, Ireland đã chủ động triển khai tiêm mũi tăng cường, khu biệt cho đối tượng là những người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và người sống và làm việc ở môi trường có nguy cơ cao.

Riêng Israel lại yêu cầu liều tăng cường cho tất cả mọi người và ra quy định mới về Thẻ Xanh. Theo đó, thẻ sẽ hết hạn sau 6 tháng, nghĩa là ai cũng phải tiêm thêm một liều vaccine trước 6 tháng. Quy định mới này của Israel đang bị các nhà phân tích chỉ trích là có thể biến nước này thành quốc gia tiêm vaccine COVID-19 nhiều quá mức cần thiết.

WHO lập nhóm cố vấn mới về nguồn gốc COVID-19

Ngày 13/10, Tổ chức T tế Thế giới (WHO) thông báo, 26 nhà khoa học sẽ tham gia vào nhóm cố vấn mới về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Nhóm cố vấn này được lựa chọn từ hơn 700 ứng cử viên từ 26 quốc gia, cho thấy WHO nỗ lực để lần này có được sự ủng hộ rộng khắp. Trong nhóm cố vấn có nhà nghiên cứu Mỹ và có nhà khoa học Trung Quốc.

Kết quả của chuyến nghiên cứu trước cho thấy, khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là có, nhưng "xác suất này cực kỳ thấp". Nhóm cố vấn mới sẽ xem xét các nghiên cứu cho thấy, dơi mang những virus "họ hàng" của SARS-CoV-2 và có thể sẽ tư vấn về một chuyến nghiên cứu thực địa ở Trung Quốc. Trách nhiệm của nhóm cố vấn mới sẽ khác nhóm trước ở chỗ là còn phải đánh giá khả năng xuất hiện của những mầm bệnh mới trong tương lai, không chỉ đơn thuần tìm nguồn gốc của COVID-19 ở Trung Quốc.

Nóng trong tuần: Thuốc điều trị COVID-19 khẳng định hiệu quả, WHO khuyến nghị về mũi vaccine tăng cường - Ảnh 3.

Bên cạnh tìm hiểu nguồn gốc của COVID-19, nhóm chuyên gia của WHO còn đánh giá khả năng xuất hiện những mầm bệnh mới trong tương lai. (Ảnh: AP)

Việc giao thêm trách nhiệm cho nhóm cố vấn mới ngoài việc xác định nguồn gốc của COVID-19 cho thấy, WHO muốn sứ mệnh này chỉ còn thuần túy ý nghĩa khoa học, không còn vướng phải những tranh cãi mang màu sắc chính trị.

Giám đốc điều hành của Chương trình y tế khẩn cấp của WHO nhấn mạnh: "Đây có thể là cơ hội cuối cùng để thế giới tìm hiểu được về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 theo một cách đồng lòng và cùng chịu trách nhiệm".

EU xem xét cấp phép thuốc Ronapreve điều trị COVID-19 EU xem xét cấp phép thuốc Ronapreve điều trị COVID-19 Thuốc điều trị COVID-19 của AstraZeneca đáp ứng mục tiêu thử nghiệm Thuốc điều trị COVID-19 của AstraZeneca đáp ứng mục tiêu thử nghiệm Châu Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, nhiều nước đẩy mạnh tiêm mũi vaccine tăng cường Châu Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, nhiều nước đẩy mạnh tiêm mũi vaccine tăng cường

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước