Mỹ và Trung Quốc hôm 19/7 đã kết thúc cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù ngay từ đầu, giới phân tích đã không đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự đột phá của cuộc đối thoại này, thế nhưng cách Bắc Kinh và Washington kết thúc cuộc đối thoại vẫn nằm ngoài dự liệu.
Các buổi họp báo bị hủy bỏ vào phút chót, không có thỏa thuận cụ thể nào và cũng không có tuyên bố chung nào. Đây đều được đánh giá là dấu hiệu phản ánh bế tắc trong đàm phán giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bài bình luận trên báo Financial Chronicle
Báo Financial Chronicle đăng lại bài viết của Bloomberg với nhận định ngắn gọn về cuộc đối thoại kinh tế Mỹ-Trung trong dòng tít "Tuần trăng mật của ông Donald Trump với Trung Quốc đã kết thúc khi cuộc đối thoại đóng băng". Theo báo này, tuần trăng mật ngắn ngủi bắt đầu 3 tháng trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chào đón nồng nhiệt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát MaraLago ở Florida.
Vài tuần sau đó, chính quyền Mỹ đã chào đón những thắng lợi sớm trong đàm phán với Trung Quốc: bao gồm việc Bắc Kinh mở cửa thị trường nội địa cho thịt bò và các dịch vụ tài chính của Mỹ; giúp đỡ Mỹ trong nỗ lực kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cả hai nước đều không thống nhất được với nhau về những bất đồng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nhật báo Phố Wall đã chỉ rõ những nguyên nhân thất bại của vòng đàm phán Mỹ - Trung lần này
Theo Nhật báo Phố Wall, ngày 19/7 cũng đánh dấu mốc kết thúc khoảng thời gian 100 ngày hành động mà ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình ấn định cho việc hai nước thống nhất được một kế hoạch toàn diện, để cài đặt lại mối quan hệ thương mại. Tuy nhiên, mục tiêu tự đề ra này của Bắc Kinh và Washington đã không đạt được vì chẳng có tuyên bố chung về bất kì kế hoạch nào.
Bài báo phân tích, điểm mấu chốt trong đàm phán thất bại là yêu cầu của Mỹ đề ra một kế hoạch cụ thể, với những mức trần và khung thời gian rõ ràng nhằm giảm bớt thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đang ở mức hơn 300 tỷ USD. Tuy nhiên, những mục tiêu bằng những con số cụ thể mà chính quyền Mỹ muốn đặt ra này là điều Trung Quốc không cảm thấy thoải mái.
Thực tế, không có nhiều nhà phân tích ngạc nhiên khi mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, là nhận định của Thời báo Los Angeles. Bởi ngay từ lúc tranh cử, ông Donald Trump đã cho rằng sự thặng dư thương mại lớn của Bắc Kinh đã gây ra những thiệt hại cho các doanh nghiệp và việc làm của Mỹ.
Bài viết "Con đường gập ghềnh phía trước đối với Mỹ, Trung Quốc" trên Thời báo Los Angeles
Trong bài "Con đường gập ghềnh phía trước đối với Mỹ, Trung Quốc", Thời báo Los Angeles giải thích rõ hơn: với việc coi thâm hụt thương mại là biện pháp cơ bản để đánh giá các mối quan hệ kinh tế song phương, ông Donald Trump đã tự đẩy mình vào thế khó.
Nguyên nhân là, bởi thâm hụt thương mại Mỹ phần lớn là kết quả của sự thâm hụt các khoản tiết kiệm quốc gia liên quan tới đầu tư – một sự chênh lệch kéo dài và khó có thể sớm thay đổi được. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đang tăng lên do nước này dần dần nâng cao chuỗi giá trị. Đồng USD vẫn mạnh, khiến cho hàng hóa Mỹ đắt đỏ trên thị trường nước ngoài.
Đối với Trung Quốc, thành tựu quan trọng nhất sau 100 ngày đàm phán thương mại với Mỹ có lẽ là giữ được đối tác ngồi ở bàn đàm phán, tờ Bưu điện Borneo viết. Bài báo trích ý kiến của một học giả tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc: mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ bao gồm những vấn đề kinh tế đơn thuần, mà luôn có những lợi ích khác đi kèm. Những hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên có thể đã gây ra một số tác động tiêu cực, đó là khi Tổng thống Mỹ bắt đầu gây áp lực lên Trung Quốc.
Bài báo trích ý kiến của một học giả tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc: mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ bao gồm những vấn đề kinh tế đơn thuần, mà luôn có những lợi ích khác đi kèm.
Dù bất đồng lớn, nhưng các chuyên gia loại bỏ khả năng xảy ra chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lạc quan mà nói, thỏa thuận liên quan đến xuất khẩu thịt bò đã cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết các vấn đề thương mại một cách hiệu quả thế nào.
Còn trong tương lai gần, chuyên trang của tổ chức phân tích phi chính phủ Stratfor dự đoán giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán sẽ đi vào các lĩnh vực mà Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn hơn để giải quyết. Bắc Kinh đã phải vật lộn để thực thi những nỗ lực cắt giảm sản lượng thép dư thừa. Nước này cũng đang do dự trong việc tiến hành cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước hoặc nới lỏng kiểm soát đầu tư và dòng vốn.
Còn động thái tiếp theo của Mỹ có thể là áp đặt mức thuế mới đối với thép của Trung Quốc.
Chuyên trang của tổ chức phân tích phi chính phủ Stratfor dự đoán giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán sẽ đi vào các lĩnh vực mà Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn hơn để giải quyết.
Liên minh châu Âu và nước Anh đã bắt đầu đàm phán thực chất trong tuần qua.
Trong 4 ngày liên tục, tại Bruxelles, hai bên đã trình bày quan điểm về từng vấn đề, để xác định những chi tiết khác biệt mấu chốt nhất cần tập trung đàm phán.
Đa số báo chí châu Âu ra hôm thứ Sáu vừa rồi đều nhấn mạnh, có quá nhiều khác biệt cơ bản.