Dòng người di cư quốc tế trong năm 2021 tăng bất chấp các biện pháp hạn chế do COVID-19. Trong năm 2021, chỉ riêng tại Địa Trung Hải, 1.600 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích.
Cuộc khủng hoảng di cư lại một lần nữa nóng trở lại với những vụ tai nạn trên các tuyến đường vượt biên trái phép vào châu Âu, hay làn sóng di cư mới nổi của những người dân Afghanistan tìm đường sang nước láng giềng Iran.
Tính đến cuối tháng 11/2021, Liên Hợp Quốc ước tính, có đến 2.000 người di cư đang bị mắc kẹt tại Ba Lan. Còn tại khu vực biên giới Belarus, con số này là 7.000 người, chủ yếu là những người từ Iraq, Syria, Iran, Afghanistan, Yemen, Cameroon. Trong đó, có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Số người di cư vượt biển bất hợp pháp từ Pháp sang Anh vẫn tiếp tục tăng cao. Số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ Anh cho biết, số người di cư đến nước này bằng thuyền từ đầu năm tới nay cao gấp hơn 3 lần so với năm 2020, với hơn 26.000 người di cư vượt eo biển Manche sang Anh.
Chưa bao giờ châu Âu thôi đau đầu với bài toán "người di cư", dù là khi đại dịch lắng dịu hay trong thời điểm hiện tại, làn sóng dịch mới đang bùng phát. Những người di cư chấp nhận mọi cách để có thể đến được cửa ngõ châu Âu cho dù họ phải đánh đổi cả sinh mạng của mình.
Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết, trong hai năm qua, số người thiệt mạng và mất tích trên tuyến đường Đại Tây Dương đã tăng gấp gần 5 lần, lên 937 người đến thời điểm này trong năm nay. Trên thực tế, năm 2021 là một năm đầy bi kịch đối với những người di cư cố gắng đến Tây Ban Nha qua Đại Tây Dương hoặc Địa Trung Hải bằng đường biển.
Từ đầu năm nay, những người di cư từ Iraq, Syria, Afghanistan, Pakistan, châu Phi đã tìm được một con đường vào EU theo một cung đường khác, đó là đường bộ từ Belarus tới Ba Lan, Litva và Latvia. Hầu hết những người vượt biên đều là nạn nhân của đường dây buôn người. Có những người đã mất hết tiền, bị bỏ rơi ở trong những khu rừng ở biên giới Ba Lan, không giấy tờ tùy thân, không thực phẩm và nguy cơ bị chết rét vào bất cứ lúc nào giữa thời tiết ngày một giá lạnh của châu Âu.
Người di cư Afghanistan trên đường sang nước láng giềng Iran. (Ảnh: AP)
Theo Ủy ban châu Âu (EC), trong nửa đầu năm 2021, đã có 85.700 lượt vượt biên bất hợp pháp vào châu Âu, tăng hơn 66% so với cùng kỳ.
Giữa cuộc khủng hoảng di cư thế giới, thời gian gần đây nổi lên một làn sóng di cư của người dân Afghanistan. Nhiều người trong số họ chỉ mong muốn đặt chân sang nước láng giềng Iran, chưa dám nghĩ đến "trời Âu". Kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan vào giữa tháng 8/2021, hàng trăm nghìn người Afghanistan đã vượt biên trái phép vào Iran. Và con số này vẫn chưa dừng lại, với tỷ lệ khoảng 4.000 - 5.000 người di cư tìm đường vào Iran mỗi ngày.
Giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư vẫn là một câu hỏi lớn do chưa tìm được tiếng nói đồng thuận giữa các nước. Hiện trục xuất vẫn là một trong những giải pháp đối với dòng người di cư trái phép. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, năm nay, Iran đã trục xuất hơn 1,1 triệu người Afghanistan tính đến ngày 21/11, cao hơn 30% so với tổng số cả năm 2020.
Tại châu Âu, từ tháng 12/2021, Cơ quan Kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu sẽ triển khai máy bay để theo dõi, kiểm soát tình trạng buôn người di cư ở eo biển Manche. Trong một diễn biến mới nhất, Ủy ban châu Âu đã đề nghị nới lỏng các quy định về người tị nạn nhằm giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp tại châu lục này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!