Hơn 519,55 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, Mỹ đến nay đã ghi nhận tổng cộng trên 84 triệu ca mắc và hơn 1,025 triệu ca tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 48.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các số liệu thống kê cho thấy, trong số các bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi tại Mỹ có hơn 700.000 người trên 65 tuổi và tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn nữ giới. Trong 4 ca tử vong vì COVID-19, có 3 ca là người trên 65 tuổi. Số bệnh nhân tử vong do COVID-19 từ 85 tuổi trở lên là khoảng 225.000 người, độ tuổi 75 đến 84 là 257.000 người và độ tuổi từ 65 đến 74 là 229.000 người.
Theo Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, dòng phụ BA.2.12.1 chiếm khoảng 42,6% số ca mắc mới được phân tích chuỗi gene tại nước này trong tuần tính đến ngày 7/5. Hiện dòng phụ BA.2 vẫn là chủng virus gây bệnh chủ đạo tại Mỹ, chiếm khoảng 56,4% tổng số ca mắc mới được phân tích chuỗi gene trong tuần nêu trên. Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO Van Kerkhove cho rằng, số ca nhiễm dòng BA.2.12.1 sẽ tiếp tục tăng do tốc độ tăng số ca nhiễm dòng này đang cao hơn tốc độ tăng số ca nhiễm dòng BA.2 nhưng tỷ lệ nhập viện ở các bệnh nhân nhiễm dòng này không khác so với dòng BA.2
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 12/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,11triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 664.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,63 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Bắt đầu từ ngày 16/5, châu Âu sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại sân bay và trên các chuyến bay tới châu Âu. Đây là thông báo do Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu đưa ra. Tuy nhiên, trung tâm này vẫn khuyến cáo việc duy trì khoảng cách và vệ sinh tay nhằm giảm thiểu lây nhiễm. Động thái này nhằm bắt nhịp với xu hướng điều chỉnh quy định của các nước thành viên EU khi di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Italy, Pháp, Bulgaria và một số nước châu Âu khác đã nới lỏng hoặc chấm dứt phần lớn hoặc tất cả các biện pháp phòng dịch COVID-19. Trước đó, một số hãng hàng không của Mỹ cũng tuyên bố sẽ không yêu cầu đeo khẩu trang từ tháng 4.
Nhiều nước châu Âu đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng. (Ảnh: AP)
Pháp sẽ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng kể từ đầu tuần tới do tình hình dịch bệnh ngày càng được cải thiện. Từ ngày 16/5, người dân Pháp sẽ không phải bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe bus, tàu hỏa, máy bay hay taxi. Đây vốn là một trong những biện pháp hạn chế cuối cùng còn được Chính phủ Pháp duy trì để chống dịch COVID-19.
Trước đó, kể từ đầu tháng 3/2022, Pháp đã gỡ bỏ phần lớn các quy định phòng ngừa COVID-19, trong đó có cả biện pháp chủ chốt là kiểm tra thẻ vaccine hay giấy thông hành y tế. Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Pháp hiện ngày càng được cải thiện với trên dưới 50.000 ca mắc mới mỗi ngày. Người dân Pháp gần như đã trở lại nhịp sống bình thường như trước khi xảy ra đại dịch.
Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Pháp ghi nhận trên 29 triệu trường hợp nhiễm và hơn 147.000 ca tử vong vì COVID-19.
Chính phủ Italy đã xác nhận, quy định của nước này về việc bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay sẽ được duy trì đến ngày 15/6, sau khi Liên minh châu Âu (EU) ra quy định không bắt buộc hành khách phải thực hiện biện pháp trên kể từ ngày 16/5.
Tờ Corriere della Sera đưa tin, Bộ Y tế Italy đã làm rõ các quy định đeo khẩu trang trên máy bay của nước này, khẳng định rằng hành khách sẽ tiếp tục được yêu cầu đeo khẩu trang FFP2 trên máy bay cho đến ngày 15/6.
Mặc dù các khuyến nghị mới của EU có hiệu lực vào ngày 16/5, các quốc gia thành viên vẫn có thể yêu cầu phải đeo khẩu trang và các quy định về đeo khẩu trang của các hãng hàng không vẫn có thể khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Y tế Argentina Carla Vizzotti cảnh báo nguy cơ nước này phải đối mặt với một làn sóng COVID-19 mới sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng từ khoảng 11.000 đến 17.000 ca trong những tuần gần đây. Mặc dù vậy, theo bà Vizzotti, đa phần các ca bệnh đều ở thể nhẹ do đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã từng mắc bệnh trước đó. Chính vì vậy, những làn sóng nguy hiểm như trước đây chắc chắn sẽ không lặp lại.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, Argentina đã ghi nhận hơn 9,1 triệu ca mắc bệnh, trong đó có trên 128.700 trường hợp tử vong.
Triều Tiên đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, đồng thời triển khai hệ thống kiểm soát virus ở mức khẩn cấp cao nhất. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã yêu cầu áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi quốc gia này ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên.
Ông Kim Jong-un đã kêu gọi tất cả các thành phố và huyện trên cả nước phong tỏa nghiêm ngặt các địa phương. Thông báo nêu rõ cần đóng cửa các nhà máy, doanh nghiệp và người dân ở trong nhà để ngăn chặn hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp của Đảng Lao động để thảo luận về các biện pháp ứng phó với đợt bùng phát đầu tiên của COVID-19.
Bắc Kinh, Trung Quốc phong tỏa một số tòa chung cư và áp đặt những biện pháp hạn chế khác. (Ảnh: AP)
Bộ Y tế Lào cho biết, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở nước này đã tiếp tục giảm xuống với 94 ca mắc mới trong ngày 12/5, trong đó thủ đô Vientiane ghi nhận 56 ca. Số ca mắc mới này do Ủy ban quốc gia về Phòng ngừa và Kiểm soát COVID-19 của Lào báo cáo lên Bộ Y tế, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 209.243 trường hợp. Lào không ghi nhận ca tử vong mới nào do COVID-19 trong 24 giờ qua và tổng số ca tử vong ở nước này vẫn ở mức 752 người.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc có xu hướng giảm, Bộ Y tế Lào khuyến nghị người dân nước này vẫn nên theo dõi sức khỏe. Bất kỳ ai có những triệu chứng như ho, hắt hơi và đau họng tương tự như những triệu chứng của cảm lạnh thông thường đều nên làm xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 và tự cách ly.
Bộ Nhập cư và Dân số Myanmar vào ngày 12/5 cho biết, nước này sẽ tiếp nhận trở lại các hồ sơ xin cấp thị thực điện tử dành cho khách du lịch bắt đầu từ ngày 15/5 tới, hơn 2 năm sau khi đình chỉ do đại dịch COVID-19. Động thái này diễn ra sau khi Myanmar nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế hôm 17/4 vừa qua và mở cửa trở lại biên giới cho du khách quốc tế.
Trước đó, vào ngày 1/4, nước này đã tiếp nhận trở lại các hồ sơ xin cấp thị thực điện tử dành cho doanh nhân.
Thành phố Thượng Hải, trung tâm thương mại với trên 25 triệu dân của Trung Quốc, trong những ngày gần đây đã siết chặt phong tỏa để nỗ lực chấm dứt đợt bùng phát dịch vào cuối tháng 5 này và đã đạt được một số tiến bộ đáng kể. Ngày 12/5, giới chức Thượng Hải nỗ lực truy vết các các ca COVID-19 cuối cùng với hy vọng chấm dứt tình trạng đóng cửa trong 6 tuần qua.
Trong khi đó, thủ đô Bắc Kinh đã thông báo ngừng hoạt động của dịch vụ taxi và dịch vụ gọi xe tại các khu vực của quận Triều Dương (quận lớn nhất của Bắc Kinh và là tâm chấn của đợt bùng phát dịch bệnh tại thành phố này) và hai quận khác.
Các nhà chức trách Bắc Kinh đã cấm dịch vụ phục vụ ăn tối tại các nhà hàng, đóng cửa một số trung tâm thương mại, địa điểm giải trí và du lịch, đình chỉ một phần hệ thống xe bus và tàu điện ngầm cũng như đóng cửa một số tòa chung cư.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đã lây lan ra hơn 10 quốc gia, khiến những đợt bùng phát rải rác trên thế giới thêm phức tạp. Tuy nhiên, WHO đánh giá những dòng phụ đã biến đổi rất nhiều so với bản gốc cũng đang lây lan ở mức thấp.
Theo Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, khoảng 700 ca nhiễm dòng phụ BA.4 đã được phát hiện ở ít nhất 16 quốc gia và 300 ca nhiễm BA.5 được phát hiện ở ít nhất 17 quốc gia trên thế giới. Bà Van Kerkhove cho biết, dù 2 dòng phụ này không gây nguy hiểm hơn so với biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn. WHO vẫn đang theo dõi chặt chẽ BA.4 và BA.5 để xác định liệu 2 dòng phụ này có thể dần vượt qua BA.2 để trở thành dòng gây bệnh chủ đạo trên thế giới hay không và hiểu hơn về cách thức lây lan các dòng phụ tại những quốc gia từng trải quan làn sóng dịch bệnh do BA.2.
Hiện BA.4 và BA.5 đang được phát hiện nhiều nhất ở Nam Phi. Theo dữ liệu do Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) công bố hồi tuần trước, tính đến ngày 5/6, Nam Phi ghi nhận 395 ca nhiễm dòng BA.4 và 134 ca nhiễm dòng BA.5. Báo cáo của UKHSA có đoạn nêu rõ dù số ca được xác định nhiễm những dòng phụ này còn thấp nhưng thực trạng các dòng phụ đang lan rộng ra nhiều nước phản ánh virus đang lây lan thành công.
Ngoài BA.4 và BA.5, một dòng phụ khác là BA.2.12.1 cũng đã được phát hiện ở 23 quốc gia. Hơn 9.000 ca nhiễm dòng phụ này đã được xác nhận, trong đó chủ yếu là ở Mỹ.
Dù 2 năm sau khi điều trị khỏi COVID-19 trong bệnh viện nhưng hơn 50% số bệnh nhân ở Vũ Hán (Trung Quốc) vẫn gặp các triệu chứng như mệt mỏi, ngủ không sâu giấc. Đây là kết quả nghiên cứu được các bác sĩ thuộc Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật tại Bắc Kinh (Trung Quốc) tiến hành, vừa được công bố trên tạp chí chuyên ngành The Lancet Respiratory Medicine. Nghiên cứu khẳng định, khả năng phục hồi hoàn toàn đối với những người trải qua làn sóng lây nhiễm đầu tiên dịch COVID-19 vẫn khó nắm bắt.
Kết quả nghiên cứu đã nêu bật tầm quan trọng của việc nghiên cứu cơ chế phát triển hội chứng COVID kéo dài cũng như thúc đẩy việc tìm ra phương pháp điều trị nhắm mục tiêu để quản lý hoặc giảm bớt tình trạng bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!