Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại Berlin, Đức. (Ảnh: AP)
Ủy ban thường trực về tiêm chủng Đức (StiKo) đang chuẩn bị đưa ra khuyến nghị về việc tiêm liều thứ tư vaccine COVID-19, người đứng đầu Ủy ban Thomas Mertens cho biết vào ngày 3/2.
Ông Mertens nói với truyền thông Đức: "Dữ liệu mới nhất từ Israel cho thấy, mũi vaccine thứ tư có thể cải thiện khả năng bảo vệ chống lại tình trạng lây nhiễm virus và bảo vệ người mắc khỏi một trường hợp nhiễm bệnh nghiêm trọng. Và StiKo sẽ sớm đưa khuyến nghị về việc này".
Theo ông Mertens, mũi tiêm thứ tư sẽ sử dụng loại vaccine do các hãng dược phẩm của Đức sản xuất.
Một số công ty dược phẩm của Đức, chẳng hạn như Moderna và BioNTech, cho biết, họ sẽ phát triển loại vaccine mới hiệu quả hơn để chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Ông Mertens cho biết, StiKo đang chờ dữ liệu lâm sàng từ các công ty này về loại vaccine mới chống lại Omicron.
Vào tháng 1, Thủ tướng Israel Naftali Bennett xác nhận, mũi tiêm COVID-19 thứ tư sẽ được triển khai cho các nhân viên y tế và những người từ 60 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu cách tiếp cận như vậy có hiệu quả ở Đức, nơi mà tình trạng do dự tiêm vaccine của người dân vẫn còn khá phổ biến. Cho đến nay, khoảng 74% dân số Đức đã được tiêm ít nhất hai mũi vaccine cơ bản. Nhiều chính trị gia Đức, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Y tế Karl Lauterbach, đã nhiều lần khẳng định, ưu tiên hiện nay là tăng tỷ lệ tiêm chủng này.
Các nhà lập pháp Đức đang thảo luận về việc quy định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 để chống lại đại dịch, nhưng vẫn chưa rõ liệu dự định này có trở thành luật hay không.
Mũi tiêm thứ tư sẽ sử dụng loại vaccine do các hãng dược phẩm của Đức sản xuất. (Ảnh: AP)
Số ca bệnh tại Đức đã tăng lên trong những tuần gần đây. Đức báo cáo số ca nhiễm COVID-19 mơi cao kỷ lục với 236.120 trường hợp vào ngày 3/2 và tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày qua là hơn 1.220 trường hợp/100.000 dân.
Ngoài ra, chiến dịch tiêm chủng của Đức bắt đầu muộn hơn đáng kể so với Israel. Theo đó, hầu hết những người đã tiêm 3 mũi cho đến nay có khả năng sẽ được tiêm mũi thứ tư muộn hơn so với người dân ở Israel.
Chuyên gia về chính sách y tế của Greens, ông Janosch Dahmen, nói với tờ Funke rằng, liều thứ tư có thể được khuyến khích tiêm cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch từ trước hoặc những có thể bị tổn hại hệ thống miễn dịch nếu sử dụng thuốc. Tuy nhiên, theo ông Dahmen, đối với nhiều người dân Đức, liều thứ tư này cũng có thể chứng minh là không cần thiết, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Ông Dahmen cho biết: "Đại đa số người dân ở Đức đã được tiêm mũi vaccine bổ sung vào tháng 12/2021 hoặc tháng 1/2022. Do đó, khả năng bảo vệ miễn dịch của họ chống lại COVID-19 nghiêm trọng hiện đang rất tốt".
Trong khi đó, các cơ quan y tế toàn cầu, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã lên án việc triển khai các mũi tiêm nhắc lại ở các nước giàu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!