Tên lửa không đối đất tầm xa Taurus được trưng bày tại Pyeongtaek, Hàn Quốc năm 2017. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ loại vũ khí có tầm bắn tới 500 km đòi hỏi phải sử dụng đúng cách và nếu muốn kiểm soát phải có sự hiện diện của binh sĩ Đức. Trong khi đó, điều này là không thể do Đức không điều quân tới Ukraine.
Do đó, ông Scholz khẳng định không thể thực hiện việc chuyển giao vũ khí này cho Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức nhắc lại rằng Berlin đã cam kết hỗ trợ quân sự 7 tỷ Euro cho Ukraine trong năm nay, cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác.
Tên lửa Taurus trang bị động cơ phản lực cánh quạt Williams P8300-15 vận tốc tối đa 0,95 Mach (gần 1.000 km/h), tầm bắn tối đa lên tới 500 km.
Tuần trước, Thủ tướng Scholz đã bác bỏ khả năng gửi tên lửa Taurus tới Ukraine, cho rằng làm như vậy có nghĩa là Đức tham gia cuộc xung đột.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ quân sự, truyền thông Đức đưa tin Bộ Quốc phòng Đức có ý định chi trả "một phần đáng kể" trong tổng chi phí liên quan thương vụ mua đạn pháo cho Ukraine, một dự án do CH Czech dẫn dắt. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong dự án cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Dự án này thể hiện một sáng kiến hợp tác của châu Âu nhằm cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, giúp tăng khả năng phòng thủ của nước này. Các loại đạn, đặc biệt là đạn pháo 155 mm, được chọn vì khả năng tương thích với các hệ thống vũ khí lực lượng Ukraine hiện có.
Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal vào ngày 4/3 cho biết nước này dự kiến sẽ nhận được khoản hỗ trợ trị giá hơn 18 tỷ USD trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh song phương được ký kết với 7 nước phương Tây là Đức, Anh, Canada, Đan Mạch, Italy, Hà Lan và Pháp. Các thỏa thuận này được ký kết với thời hạn 10 năm trở lên.
Thủ tướng Shmyhal cho biết thêm các lực lượng Ukraine đang liên tục xây dựng công sự nhằm tăng cường những tuyến phòng thủ trong nước. Chính phủ Ukraine đã phân bổ 20 tỷ UAH (500 triệu USD) cho việc củng cố công sự trong năm 2024.
Các nước phương Tây cung cấp viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022. Điện Kremlin đã liên tục cảnh báo về việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó sẽ khiến xung đột leo thang hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!