Các cuộc biểu tình diễn ra khi một nhà quan sát quốc tế kết luận rằng cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Venezuela là phi dân chủ.
Các cuộc biểu tình - mà Chính phủ Venezuela lên án là một nỗ lực "đảo chính" - bắt đầu diễn ra vào ngày 29/7 sau khi cơ quan bầu cử của quốc gia Nam Mỹ này tuyên bố rằng ông Maduro đã tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 3 khi giành được 51% số phiếu bầu.
Phe đối lập khẳng định ứng cử viên Edmundo Gonzalez của họ có số phiếu bầu nhiều gấp đôi so với ông Maduro, dựa trên 90% số phiếu mà họ có thể tiếp cận.
Theo nhóm nhân quyền Foro Penal, ít nhất 11 người đã thiệt mạng ở các khu vực khác nhau của Venezuela kể từ cuộc bầu cử trong những vụ việc liên quan đến kiểm phiếu hoặc các cuộc biểu tình.
Trung tâm Carter có trụ sở tại Mỹ - cơ quan quan sát cuộc bỏ phiếu - cho biết trong một tuyên bố vào tối 30/7 rằng cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela "không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính toàn vẹn của một cuộc bầu cử và không thể được coi là dân chủ".
Những người biểu tình phản đối chiến thắng gây tranh cãi của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong buổi cầu nguyện thắp nến tại Quảng trường Bolivar ở Bogota, ngày 30/7 (Ảnh: AFP)
Việc cơ quan bầu cử không công bố kết quả phân tích là một "vi phạm nghiêm trọng" - Trung tâm Carte nói thêm, nêu rõ những gì họ xác định là một quá trình sai sót nghiêm trọng từ đầu đến cuối.
Nhiều quốc gia đã kêu gọi Venezuela công khai số phiếu bầu. Các nguồn tin của Mỹ cho biết Washington đang xem xét các lệnh trừng phạt mới đối với những cá nhân có liên quan đến cuộc bầu cử trừ khi có sự minh bạch hơn.
Vào ngày 30/7, cả ông Maduro và đồng minh lập pháp hàng đầu của ông đều cáo buộc ông Edmundo Gonzalez và lãnh đạo phe đối lập Maria Corina Machado kích động bạo lực sau cuộc bỏ phiếu.
Tổng thống Maduro (61 tuổi) là cựu lãnh đạo công đoàn và cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela - người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sau cái chết của cựu Tổng thống Hugo Chavez vào năm 2013. Ông đã tái đắc cử vào năm 2018 trong một cuộc bỏ phiếu mà phe đối lập cho là gian lận.
Ông Maduro đã lãnh đạo Venezuela trong cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng người Venezuela di cư hàng loạt, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ vốn gặp khó khăn của nước này.
Chiến thắng của ông Maduro có thể thúc đẩy nhiều cuộc di cư hơn từ Venezuela - quốc gia từng là nước giàu có nhất châu lục, nơi trong những năm gần đây đã chứng kiến 1/3 dân số rời đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!