EC buộc Google, Facebook tiết lộ tiền thuế sau vụ Hồ sơ Panama

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 13/04/2016 10:05 GMT+7

VTV.vn - Sau những tiết lộ gây sốc về các chiêu trò trốn thuế trong Hồ sơ Panama, Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy kế hoạch buộc Google, Facebook tiết lộ số tiền thuế đã đóng.

Đến nay, việc công khai, chia sẻ thông tin vẫn được xem là biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "lách luật trốn thuế", gây thất thoát của châu Âu hàng chục tỷ Euro mỗi năm. Tuy nhiên, đề xuất mới này lại đang vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều do lo ngại tính khả thi của nó.

Theo tờ Độc lập của Anh, Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy kế hoạch buộc các công ty đa quốc gia như Google, Amazon và Facebook tiết lộ chính xác địa điểm và số tiền thuế đã đóng. Theo đó, các doanh nghiệp có doanh thu hơn 600 triệu bảng (khoảng 750 triệu Euro) một năm phải công khai vấn đề thuế, lợi nhuận cũng như các tài khoản ở tất cả các quốc gia mà họ hoạt động trong Liên minh châu Âu.

Nhật báo phố Wall nhẩm tính, khoảng 6.500 công ty trên khắp thế giới có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi đề xuất mới của EU. Trong đó có khoảng 2.000 công ty đang đặt trụ sở tại châu Âu. Nhưng tác giả bài viết vẫn cho rằng, đề xuất này nên tham vọng hơn bởi nếu chỉ được áp dụng với các công ty có doanh thu 750 triệu Euro trở lên thì đề xuất này sẽ bỏ sót hoạt động của quá nhiều công ty đa quốc gia. Vụ Hồ sơ Panama đã cho thấy nhiều công ty doanh thu chỉ vài chục triệu USD cũng trốn thuế. Tác giả bài viết cũng nhắc lại một con số khiến châu Âu cần phải suy xét cho kĩ đó là các hành vi "tránh thuế" khiến châu Âu thất thu ngân sách từ 50 - 70 tỷ Euro mỗi năm.

Chia sẻ quan điểm rằng đề xuất vẫn còn lỗ hổng, trang tin Reuters cho rằng, cần phải công khai thông tin thuế ở tất cả các nước - nơi các công ty đa quốc gia hoạt động. Trang tin trích lời một luật sư nhận định, nếu các tập đoàn đa quốc gia vẫn tự do che giấu thông tin thì không thể nào biết họ hoạt động gì ở các thiên đường thuế và cơ chế tổ chức trốn thuế. Nhưng, các biện pháp của Brussels lại chỉ giới hạn trong EU, ngay cả một số nước như Mỹ và Thụy Sĩ cũng không nằm trong các địa điểm doanh nghiệp phải công khai thông tin thuế.

Nhà quản lý thì muốn doanh nghiệp phải công khai hơn nữa nhưng phía doanh nghiệp lại cho rằng đề xuất của EU quá cởi mở khi muốn công khai thông tin thuế đến tận công chúng. Nhật báo phố Wall trích nhận định của một doanh nghiệp cho rằng: "Tốt nhất không nên để công chúng được biết về các báo cáo thuế và lợi nhuận của doanh nghiệp. Những thông tin kiểu này nên được giữ bí mật khi chia sẻ giữa cơ quan thuế các nước".

Đề xuất về công khai thông tin thuế của Ủy ban châu Âu sẽ còn tiếp tục được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thảo luận và thông qua để ban hành luật. Tiến trình này dự kiến sẽ kéo dài vài tháng. Đến lúc đó, có lẽ "công khai thông tin thuế của doanh nghiệp đến đâu và như thế nào" vẫn sẽ là chủ đề nóng tại châu Âu.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước