Lực lượng an ninh Ethiopia tuần tra trên một con phố ở Hayk, Amhara, năm 2021. (Ảnh minh họa: Anadolu Agency)
Hội đồng Bộ trưởng Ethiopia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực Amhara sau khi lãnh đạo Amhara cho biết, ông không còn khả năng ngăn chặn bạo lực gia tăng giữa lực lượng dân binh dân tộc địa phương và quân đội.
Văn phòng Thủ tướng Ethiopia, Abiy Ahmed, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 4/8, nói rằng các cuộc tấn công của "các nhóm cực đoan có vũ trang" gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh công cộng và gây thiệt hại kinh tế đáng kể: "Vì vậy, Hội đồng Bộ trưởng đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để thực hiện các trách nhiệm do hiến pháp quy định".
Bạo lực bùng phát trên khắp khu vực Amhara vì kế hoạch gây tranh cãi nhằm thu nạp lực lượng an ninh khu vực vào quân đội quốc gia. Năm 2022, chính quyền Ethiopia đã nỗ lực tiêu diệt lực lượng dân quân ở Amhara, được gọi là Fano.
Fano và các lực lượng an ninh khu vực đóng vai trò hàng đầu trong cuộc nội chiến kéo dài hai năm với vùng Tigray lân cận và nổi tiếng với người Amhara, nhưng Chính phủ Ethiopia coi họ là mối đe dọa đối với trật tự hiến pháp.
Tuần này, những người biểu tình đã dựng rào chắn, trong khi dân quân Fano đụng độ với các đơn vị quân đội và giành quyền kiểm soát một số thị trấn, làm tê liệt khu vực đông dân thứ hai của Ethiopia và dẫn đến con số thương vong hiện chưa được xác định.
Các chuyến bay đến Gondar và Lalibela, hai điểm nóng du lịch, đã bị hủy khi Anh và Mỹ đưa ra cảnh báo du lịch, trong đó khuyến cáo công dân của họ ở Amhara trú ẩn tại chỗ và không đến đó.
Tại một số thị trấn ở Amhara, các quan chức chính phủ đã bỏ trốn, đường truyền Internet bị cắt. Đạn thật đã được sử dụng để giải tán người biểu tình và pháo binh đã được triển khai tại các khu vực dân sự ở thị trấn Kobo.
"Không có bất kỳ lực lượng chính phủ hay quân đội nào ở đây", một cư dân Lalibela (thị trấn thuộc vùng Amhara) nói. " Dân binh Fano xuất hiện ở khắp mọi nơi".
Hôm 3/8, Chủ tịch khu vực Amhara đã gửi thư cho Thủ tướng Abiy Ahmed, nói rằng tình trạng bất ổn đang "gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và nhân đạo" và yêu cầu được hỗ trợ.
Các cuộc đấu súng nổ ra ở Ethiopia khi Thủ tướng nước này trục xuất lực lượng an ninh của khu vực Amhara
"Tình hình đã trở nên khó kiểm soát thông qua hệ thống thực thi pháp luật thông thường", Chủ tịch khu vực Amhara viết trong thư.
Bức thư được đưa ra sau lời kêu gọi trước đó của Phó Thủ tướng Demeke Mekonnen, người hôm 2/8 thông tin, "điều quan trọng đối với chúng tôi là tìm kiếm một giải pháp hòa bình để đối thoại". Nhận xét của ông là một ví dụ hiếm hoi về việc một quan chức cấp cao trực tiếp giải quyết tình trạng bất ổn trong bối cảnh những phương tiện truyền thông nhà nước và các tài khoản mạng xã hội của chính phủ đều im lặng.
Tình trạng khẩn cấp được công bố vào ngày 4/8 phải được Quốc hội Ethiopia phê chuẩn trong vòng 15 ngày, nếu không sẽ bị bãi bỏ. Lần gần đây nhất Ethiopia tuyên bố tình trạng khẩn cấp là vào tháng 11/2021, ở đỉnh điểm của cuộc xung đột Tigray.
Cuộc xung đột đó đã kết thúc với một lệnh ngừng bắn được ký vào tháng 11/2022. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn đã bùng phát ở những nơi khác, bao gồm cả Oromia, khu vực đông dân nhất và lớn nhất của Ethiopia, nơi một nhóm quân nổi dậy khác đã chiến đấu với quân đội chính phủ kể từ năm 2018.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!