Lực lượng Tigray giành quyền kiểm soát Mekele, ở vùng Tigray, miền Bắc Ethiopia. (Ảnh: AP)
Chính quyền địa phương cho biết, vụ thảm sát diễn ra tại một ngôi làng cách thị trấn Dabat 10km và do các chiến binh trung thành với Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) gây ra.
Người phát ngôn của TPLF đã gọi đây là "cáo buộc bịa đặt", bác bỏ cáo buộc này và kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra độc lập.
Kể từ khi xung đột nổ ra giữa chính quyền tỉnh Tigray và lực lượng liên bang vào tháng 11/2020, đã có nhiều cáo buộc về hành vi tàn bạo với những vụ sát hại hàng loạt. Phần lớn được cho là do các lực lượng liên bang Ethiopia hoặc các đồng minh Eritrean của họ.
Tuy nhiên, gần đây hơn, các chiến binh Tigray bị cáo buộc đã bắn phá một địa điểm tôn giáo, cướp phá các trung tâm y tế và trường học, cũng như giết hại dân thường.
Lực lượng Tigray bắt đầu cuộc tiến công sau khi quân liên bang rút khỏi Mekelle, thủ phủ của vùng Tigray và là thành trì của quân nổi dậy, vào tháng 6. Tháng 7, giao tranh đã lan sang các vùng lân cận Amhara và Afar, cũng ở phía Bắc Ethiopia. Hàng chục nghìn người đã phải sơ tán, chạy trốn khỏi cuộc giao tranh mới. Lực lượng Tigray cho biết đã thực hiện cuộc tấn công như một nỗ lực nhằm phá vỡ tình trạng phong tỏa kéo dài trong nhiều tháng qua đối với khu vực có 6 triệu dân này.
Xung đột đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở miền Bắc Ethiopia. (Ảnh: UNICEF)
Chalachew Dagnew, phát ngôn viên của chính quyền thành phố Gondar ở vùng Amhara, cho biết, ông đã đến thăm khu vực chôn cất trong ngôi làng nơi được cho là đã xảy ra vụ thảm sát và phát hiện ra rằng, trong số những người thiệt mạng, có cả trẻ em, phụ nữ và người già.
Theo ông Dagnew, các vụ thảm sát xảy ra trong thời gian "hiện diện ngắn" của lực lượng Tigray trong khu vực, sau đó quân đội liên bang Ethiopia đã giành lại quyền kiểm soát.
Theo chính quyền địa phương, thi thể của 120 thường dân vô tội đã được tìm thấy, nhưng số nạn nhân có thể sẽ tăng lên.
Xung đột đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở miền Bắc Ethiopia, với khoảng 400.000 người phải sống trong đói nghèo. Chỉ có một con đường vào Tigray mà Liên Hợp Quốc và các nhóm viện trợ có thể sử dụng. Những trở ngại về hậu cần và tình trạng quan liêu khiến việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!