* Tờ Local trích lời Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho rằng: "Lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nên được dỡ bỏ dần dần khi Nga tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk 2 đạt được hồi đầu năm nay". Đây là tiếng nói mới nhất từ một chính trị gia châu Âu về khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt Nga.
* Chia sẻ với quan điểm trên, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng cho rằng: "EU nên dỡ bỏ dần dần các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine nếu có tiến triển đáng kể trong tiến trình hòa bình". Trang tin Euractiv nhìn nhận: "Đây là một sự thay đổi so với lập trường trước đây rằng lệnh trừng phạt sẽ chỉ được dỡ bỏ khi thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ".
* Phe ủng hộ xem xét lại lệnh trừng phạt kinh tế Nga còn nhận được tiếng nói quan trọng từ Italy và Pháp. Thủ tướng Italy Matteo Renzi gần đây cũng kêu gọi thảo luận về sự hiệu quả của các biện pháp cấm vận kinh tế trước khi gia hạn trừng phạt Nga. Đầu tháng này, Quốc hội Pháp đã thông qua nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi Chính phủ nới lỏng dần các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, không phải cả châu Âu đều có lập trường thống nhất về Nga. Trang tin Grudia ngày nay cho biết: "Tại các nước Baltic và Ba Lan, quan điểm phản đối dỡ bỏ trừng phạt Nga vẫn còn đang mạnh".
* Tờ Người bảo vệ của Anh nhìn nhận: "Ở châu Âu đang có một sự bất đồng sâu sắc về cách thức giải quyết vấn đề Nga". Tác giả bài viết đặt ra câu hỏi: "Liệu cô lập mang tính trừng phạt hay đối thoại sẽ tốt hơn?".
* Tờ Nhật báo phố Wall khá cứng rắn khi cho rằng: "Giờ chưa phải là lúc để tính chuyện làm ăn trở lại với Nga" khi cho rằng dỡ bỏ trừng phạt vào thời điểm này có thể gửi đi tín hiệu nguy hiểm về một châu Âu chia rẽ và yếu kém.
* Trái ngược quan điểm trên, tờ Độc lập của Anh phân tích "cần phải dỡ bỏ trừng phạt Nga, nếu Liên minh châu Âu muốn chống khủng bố". Theo tác giả bài viết, lệnh trừng phạt nhằm vào cả một số quan chức tình báo Nga đang đe dọa hợp tác quân sự giữa hai phía. Đây là cái giá châu Âu phải trả trong cuộc chiến chống khủng bố bởi nước Nga với điều kiện thuận lợi ở Syria, được tiếp cận nguồn thông tin vô cùng giá trị về lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tác giả bài viết kết luận: "Sau 2 năm áp đặt trừng phạt, điều mà châu Âu nhận thấy đó là cái giá của sự chia rẽ vô cùng cao nếu so với sự hợp tác với Nga”.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.