Thỏa thuận đưa ra các giới hạn cho năm 2030 chặt chẽ hơn so với hiện tại, đối với một số chất gây ô nhiễm như bụi mịn (PM2.5, PM10), nitơ dioxide, sulfur dioxide...
Các quy tắc mới đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng không khí cho năm 2030 dưới dạng giới hạn chất gây ô nhiễm và giá trị mục tiêu gần với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết vào tháng 11/2023 rằng ô nhiễm do hạt mịn (PM2.5), đặc biệt ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tim, đã dẫn đến 253.000 ca tử vong ở EU vào năm 2021. Ô nhiễm từ nitơ dioxide (NO2), có hại nhất đối với người mắc bệnh tiểu đường dẫn đến 52.000 ca tử vong và phơi nhiễm ozone (O3) trong thời gian ngắn dẫn đến 22.000 ca tử vong.
Văn bản mới cũng dự kiến tăng cường điểm đo chất lượng không khí và làm đồng bộ chỉ số trong EU, thông qua thông tin về mức đỉnh ô nhiễm.
EU đã đạt được sự đồng thuận trong việc củng cố các tiêu chuẩn về chất lượng không khí đến năm 2030 (Ảnh: AP)
Thỏa thuận này phải được Nghị viện và Hội đồng châu Âu chính thức xác nhận và sau đó sẽ trải qua thủ tục thông qua cần thiết.
Bắt đầu từ năm 2021, EU bắt đầu thắt chặt các quy định về ô nhiễm không khí, chất thải và sử dụng hóa chất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giải quyết các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học. Kế hoạch trên về giải quyết ô nhiễm của Ủy ban châu Âu (EC) đặt ra các mục tiêu cho năm 2030 và định hướng đến năm 2050 về việc giảm ô nhiễm không khí, nước và đất đến mức không còn gây hại cho sức khỏe và thiên nhiên. "Một trong những bài học lớn mà chúng ta học được từ cuộc khủng hoảng COVID-19 là mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người và sức khỏe của hành tinh. Hiện tại, cả hai vấn đề này đều không tốt" - Ủy viên Môi trường EU Virginius Sinkevicius cho biết.
EC đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 55% số ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí. Các mục tiêu khác cho năm 2030 bao gồm giảm phát thải 25% trong các hệ sinh thái, nơi ô nhiễm không khí đe dọa đa dạng sinh học và giảm 50% rác thải nhựa trên biển. Để đạt được những mục tiêu đó, EC sẽ đề xuất các biện pháp loại bỏ dần các chất gây rối loạn nội tiết - hóa chất can thiệp vào hormone, xem xét giới hạn lượng khí thải amoniac từ chăn nuôi và nhà máy, đồng thời sửa đổi các quy định về thuốc trừ sâu để giảm việc sử dụng hóa chất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!