Liên minh châu Âu nỗ lực giảm dấu chân carbon

Hồng Quang - Đoàn Hà (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 12/02/2024 06:43 GMT+7

(Ảnh minh họa: AP)

VTV.vn - Năm 2023 vừa qua là năm Liên minh châu Âu bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu.

Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu cho phép Liên minh châu Âu đơn phương áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường do khối đặt ra cho các doanh nghiệp của mình.

Hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu mang theo dấu chân carbon nhiều hay ít tùy thuộc vào quá trình sản xuất sản phẩm đó. Trong giai đoạn đầu, 6 nhóm sản phẩm công nghiệp thâm dụng năng lượng có dấu chân carbon đậm nét được đưa vào tầm ngắm. Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới sẽ buộc mọi nhà cung ứng phải xanh hóa quy trình, giảm phát thải ở mọi công đoạn trong chuỗi giá trị.

Ông Mohammed Chahim, Nghị sĩ Hà Lan, Báo cáo viên Nghị viện châu Âu, nói: "Cơ chế điều chỉnh carbon thúc đẩy các nước khác cập nhật mục tiêu khí hậu. Đây có lẽ là cách duy nhất khuyến khích các doanh nghiệp bên ngoài châu Âu giảm thải. Họ có thể xuất khẩu vào châu Âu, nhưng phải đáp ứng những điều kiện tương tự như những điều kiện mà các doanh nghiệp châu Âu đã phải tuân thủ trong suốt 15 năm qua. Ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền. Nếu muốn bán sản phẩm vào châu Âu thì phải trả phần chênh lệch ô nhiễm khi qua biên giới".

Liên minh châu Âu nỗ lực giảm dấu chân carbon - Ảnh 1.

Ông Mohammed Chahim. (Ảnh: Socialists & Democrats)

Đối với xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện năng và hydro nhập khẩu vào châu Âu, nếu quá trình sản xuất tạo ra lượng khí thải lớn hơn so với quy định của Liên minh châu Âu, nhà nhập khẩu sẽ phải trả tiền cho phần chênh lệch đó.

Với cơ chế này, doanh nghiệp của chính các nước châu Âu không thể lách luật bằng cách chuyển nhà máy ra bên ngoài châu Âu được nữa. Hàng hóa của doanh nghiệp châu Âu sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu trở lại vào châu Âu vẫn phải trả thêm phần chênh lệch nếu có lượng khí thải lớn hơn so với quy định.

Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan, cho biết: "Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những hàng hóa chịu điều chỉnh bởi cái cơ chế này cần phải thiết lập một hệ thống khai báo báo cáo đầy đủ lượng khí thải trong quá trình sản xuất. Thực ra doanh nghiệp của châu Âu sẽ là bên chịu trách nhiệm khai báo đối với cơ quan quản lý của châu Âu và trả thuế carbon, nhưng họ sẽ yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam báo cáo những thông tin đầy đủ trong quá trình sản xuất và đặc biệt là từng công đoạn phát thải".

Trong giai đoạn đầu, để doanh nghiệp làm quen, trong vòng 3 năm sẽ không có thay đổi lớn, nhà nhập khẩu vào châu Âu chỉ phải khai báo lượng khí thải liên quan đến sản phẩm. Liên minh châu Âu không chỉ buộc doanh nghiệp nội địa phải làm mờ dấu chân carbon. Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới sẽ gián tiếp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất trên toàn thế giới phải giảm phát thải.

Doanh nghiệp nỗ lực giảm dấu chân carbon trong hoạt động sản xuất Doanh nghiệp nỗ lực giảm dấu chân carbon trong hoạt động sản xuất

VTV.vn - Dấu chân carbon được hiểu là tổng lượng khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước