Nhóm các lãnh đạo G7 tại Đức, ngày 26/6/2022. (Ảnh minh họa: AP)
Theo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đánh dấu 2 năm bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, ưu tiên chính của họ là tái thiết và viện trợ cho Ukraine nhằm cân đối bổ sung ngân sách của nước này.
Tuyên bố viết: "Chúng tôi sẽ giúp Ukraine đáp ứng các nhu cầu tài chính cấp bách của nước này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ quyền tự vệ của Ukraine và tái cam kết về an ninh lâu dài của nước này".
Các nhà lãnh đạo G7 hoan nghênh việc EU gần đây phê duyệt gói viện trợ khẩn cấp trị giá 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) cho Ukraine đến năm 2027, nhưng kêu gọi các đồng minh phương Tây hỗ trợ bổ sung để thu hẹp lỗ hổng ngân sách hiện hữu của Ukraine trong năm hiện tại. Bộ Tài chính Ukraine ước tính vào tháng 12/2023 rằng nhu cầu tài chính cho năm 2024 của nước này là 37,3 tỷ USD.
Nhóm này cũng lưu ý rằng Kiev cần thêm đầu tư tư nhân để tái thiết sau xung đột và cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận và quyết định tại Hội nghị Tái thiết Ukraine ở Berlin (Đức) vào cuối năm nay. Theo ước tính mới nhất, tổng chi phí tái thiết và phục hồi ở Ukraine hiện ở mức 486 tỷ USD.
Các lãnh đạo G7 cam kết tăng cường áp lực trừng phạt đối với Nga nhằm "tăng chi phí chiến tranh của Nga và cản trở nỗ lực xây dựng cỗ máy chiến tranh của Moscow". Nhóm này cảnh báo về các bước tiếp theo nhằm thắt chặt việc thực thi mức trần giá đối với dầu của Nga nhằm "hạn chế nguồn thu từ năng lượng của nước này trong tương lai" nhưng không nêu chi tiết về các biện pháp mới. Tuyên bố cũng cảnh báo về các biện pháp trừng phạt thứ cấp bổ sung đối với những nước thứ ba tạo điều kiện cho Nga trốn tránh lệnh trừng phạt.
Một tòa chung cư bị thiệt hại sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Kiev, tháng 7/2023. (Ảnh: EPA/Shutterstock)
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra thực tế rằng các biện pháp trừng phạt đã không gây bất ổn cho Nga, thay vào đó đã phản tác dụng đối với các quốc gia áp đặt những hạn chế này. Theo số liệu chính thức mới nhất, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 3,6% vào năm 2023, vượt xa cả Mỹ và EU và dự kiến sẽ còn tăng trưởng hơn nữa trong năm nay. Những hạn chế buộc nước này phải định hướng lại phần lớn hoạt động thương mại sang châu Á, trong khi nhiều quốc gia phương Tây mất khả năng tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ của Nga, dẫn đến lạm phát tăng vọt và khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
G7 cũng kêu gọi các đồng minh tăng cường nỗ lực nhằm sử dụng tài sản của Nga bị đóng băng ở nước ngoài để hỗ trợ Ukraine. Anh và Mỹ đã ủng hộ việc tịch thu hoàn toàn tiền và tài sản của Nga và chuyển số tiền này sang Kiev, nhưng lựa chọn đó hiện còn thiếu cơ sở pháp lý. EU, nơi nắm giữ khoảng 2/3 số tài sản bị phong tỏa (của Nga), gần đây đã phê duyệt kế hoạch thu giữ số tiền lãi kiếm được, nhưng đã dừng việc tịch thu số tiền đó.
Nga đã nhiều lần tố cáo việc đóng băng tài sản của nước mình là bất hợp pháp. Tong khi đó, nhiều chính trị gia và nhà phân tích trên toàn cầu cảnh báo rằng việc khai thác các quỹ này sẽ gây nguy hiểm cho uy tín của hệ thống tài chính phương Tây và hai loại tiền tệ chính của EU là đồng Euro và đồng USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!