Một nhà máy nhiệt điện than ở Indonesia. Nhật Bản và Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ đóng góp chính vào nỗ lực loại bỏ than đá của quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Reuters
Than tạo ra 37% nguồn điện cho thế giới nhưng cũng gây ô nhiễm nhất và phát thải khí nhà kính nhiều nhất. Do đó, giảm bớt điện than than là yếu tố then chốt để đạt các mục tiêu về môi trường. Tuy nhiên do giá rẻ và nguồn cung dồi dào, nhiều nước vẫn phụ thuộc nguồn năng lượng này.
Tại châu Á, khu vực chiếm 60% dân số thế giới và sản xuất một nửa hàng hóa toàn cầu, việc dùng than đang tăng chứ không giảm. Nhu cầu về than tiếp tục đạt đỉnh trong năm ngoái khi các nước cần nhiều năng lượng để hồi phục sau dịch.
Chính vì vậy nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang đẩy nhanh việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sản xuất điện chủ yếu từ điện than sang năng lượng tái tạo.
G7 sẽ mở rộng khuôn khổ hỗ trợ đã được nhất trí tại Hội nghị khí hậu COP26. Bước đầu, G7 sẽ hỗ trợ Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Senegal. Nhật Bản và Mỹ dự kiến là những quốc gia tài trợ chính cho Indonesia, trong khi các thành viên G7 và Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò là đối tác.
Indonesia là nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Indonesia khẳng định kế hoạch của họ là bỏ nhiệt điện từ năm 2056 và không còn phát thải carbon vào năm 2060. Để làm được như vậy, Indonesia cần đến 200 tỉ USD mỗi năm trong thập niên này để đầu tư vào năng lượng sạch.
Anh và EU sẽ là những nước hỗ trợ chủ lực cho Việt Nam, trong khi Mỹ và Đức hỗ trợ Ấn Độ. Số tiền hỗ trợ cho từng nước sẽ được thảo luận trong tương lai. Sáng kiến này cũng sẽ khai thác các quỹ và kế hoạch tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để sớm đóng cửa các nhà máy điện than ở Đông Nam Á.
Tại Hội nghị COP26 năm ngoái, các quốc gia, trong đó có Mỹ và Vương quốc Anh, đã cam kết cung cấp 8,5 tỷ USD để giúp Nam Phi đẩy nhanh việc phát triển năng lượng tái sinh và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than. Giờ đây, G7 muốn mở rộng sáng kiến này sang các nước đang phát triển khác. Sớm nhất là vào cuối tháng 5 này, các bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng G7 sẽ họp thảo luận và có thể nhất trí một thỏa thuận về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!