2020 - Sự học cũng lắm gian nan

Nguyễn Mai-Thứ bảy, ngày 11/07/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Gần 1,5 tỷ học sinh, sinh viên trên thế giới đang chịu tác động của dịch COVID-19 đối với việc học tập. Ngay cả những học sinh "lười" nhất cũng ước được đến trường.

Những lớp học vắng ngắt…

Tờ Bưu điện Washington đã có bài phân tích sâu về những tác động của đại dịch COVID-19 lên sự học của thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Theo Liên Hợp Quốc, hiện có gần 1,5 tỷ học sinh, sinh viên trên toàn cầu - tương đương 87% dân số học sinh trên Trái đất - đã bị buộc phải nghỉ học ở nhà do dịch COVID-19 và hơn 60 triệu giáo viên cũng tạm thời không được đứng lớp.

2020 - Sự học cũng lắm gian nan - Ảnh 1.

Sự học cũng lắm gian nan trong năm đặc biệt 2020Một lớp học trống tại một trường học ở Kathmandu, Nepal, vào ngày 19/3 - Ảnh: Washington Post

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho biết 191 quốc gia đã quyết định đóng cửa các trường học, trong khi giới chức giáo dục tìm cách giúp học sinh và phụ huynh đối phó với sự chuyển đổi vội vàng sang học trực tuyến tại nhà. Vậy là từ lớp Một cho đến cấp Đại học đều dần quen với những nền tảng giáo dục trực tuyến như Zoom hay Google Meet…

Nhưng các bậc phụ huynh cũng có những băn khoăn như làm thế nào quản lý được thời gian học trực tuyến của con, liệu con có thực sự tập trung khi học trực tuyến, hoặc là thông tin về người dùng có bị đánh cắp hay không? Nỗi lo của các phụ huynh là có cơ sở, khi tháng 4 vừa qua, ứng dụng học trực tuyến Zoom vướng vào bê bối lộ thông tin người dùng bao gồm tên tuổi, địa chỉ email, hình ảnh và thậm chí là kẻ gian có thể thực hiện những cuộc gọi video gây rối.

Các chính phủ đều cùng quan điểm rằng muốn áp dụng hiệu quả việc giảng dạy và học tập trực tuyến trong mùa dịch thì phải có hệ thống mạng Internet ổn định. Một ví dụ cụ thể tại Peru, các thầy cô giáo cũng không quên hướng dẫn học sinh của họ cách cân bằng cảm xúc trong suốt nhiều tháng trời "đóng cửa ôn bài". Hay tại Italy – một trong những tâm dịch của châu Âu, chính phủ nước này cũng chi hàng triệu USD để cải thiện đường truy cập Internet ở vùng sâu vùng xa và hỗ trợ học tập trực tuyến cho 8,5 triệu học sinh, sinh viên.

Thế nhưng chuyển đổi số trong một sớm một chiều chưa bao giờ là điều dễ dàng!

Học trực tuyến đang phơi bày khoảng cách giàu nghèo rõ rệt

2020 - Sự học cũng lắm gian nan - Ảnh 2.

Mate khoe những huy chương trong các cuộc thi leo núi của em - Ảnh: UNICEF

Khuôn mặt cậu bé Mate rạng rỡ khoe với các tình nguyện viên của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) về thành tích leo núi của em.

"Em leo núi rất giỏi, giỏi hơn cả anh trai em. Và hãy nhìn xem, em giành được nhiều huy chương lắm", Mate nói. Sau đó, cậu hào hứng chỉ cho các tình nguyện viên chiếc tủ góc nhà, nơi chất đầy những chiếc huy chương – thứ sáng nhất trong căn nhà nghèo nàn của gia đình cậu bé. Một căn nhà nghèo, đông anh chị em như đại đa số các gia đình ở ngôi làng Nikozi, miền Trung Gruzia.

Nếu dịch bệnh không xảy ra, cậu bé vẫn được đến lớp hàng ngày và tham gia các buổi tập cho cuộc thi leo núi dự kiến được tổ chức mùa hè này ở Tbilisi. Nhưng mọi kế hoạch đã thay đổi. Kể từ khi bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 được chẩn đoán ở Gruzia vào tháng 2 năm nay, chính phủ nước này phải đưa ra một loạt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan bao gồm đóng cửa trường học trên cả nước, chuyển sang học từ xa từ cuối tháng 3.


2020 - Sự học cũng lắm gian nan - Ảnh 3.

Mate chụp ảnh cùng mẹ và 4 anh chị em bên ngoài hiên nhà ở làng Nikozi - Ảnh: UNICEF


"Chúng tôi không có mạng Internet hoặc thậm chí là không có nổi một máy tính. Vì vậy, tôi mua dữ liệu điện thoại di động để các con tôi có thể tham gia lớp học trực tuyến. Tôi mua gói rẻ nhất có giá 20 tetri mỗi ngày (khoảng 6 cent Mỹ). Nhưng gói cước này cũng đang tăng giá mỗi ngày", chị Pelagia – mẹ của em Mate cho biết.


Sự thay đổi đột ngột khiến giáo viên và học sinh phải vật lộn để điều chỉnh, đặc biệt là những người sống ở khu vực nông thôn với dịch vụ điện thoại di động và đường truyền Internet hạn chế.

2020 - Sự học cũng lắm gian nan - Ảnh 5.

Martha, 7 tuổi, đang làm bài tập về nhà qua chiếc điện thoại chung với 4 anh chị em - Ảnh: UNICEF

Chị Pelagia cho biết thêm rằng 4 đứa con của chị phải chung nhau một chiếc điện thoại di động để truy cập vào các lớp học trực tuyến, đôi khi những buổi học trùng nhau. Thêm vào đó, chiếc điện thoại của chị Pelagia là điện thoại cũ, không có đủ các ứng dụng để lũ trẻ có thể học trực tuyến.

Đây chỉ là một ví dụ điển hình của những khó khăn tại nhiều quốc gia trên thế giới – nơi Internet và giáo dục trực tuyến chưa được phổ cập đầy đủ. Cả học sinh và giáo viên buộc phải cố gắng bắt kịp guồng quay nếu không muốn bỏ dở việc học hành.

Học "Online" hay "Offline"

2020 - Sự học cũng lắm gian nan - Ảnh 6.

Học sinh Hàn Quốc phải tuân thủ giãn cách xã hội khi quay trở lại trường học - Ảnh : New Straits Times

Khi các chính phủ quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, lên kế hoạch mở cửa lại các trường học, học sinh, sinh viên cũng chưa thể ăn mừng được ngay.

Ví dụ như Hàn Quốc đã hoàn thành bốn giai đoạn cho phép các trường trở lại việc giảng dạy kiểu mới, đưa tổng số học sinh được trở lại trường học tăng lên 5,95 triệu học sinh. Tuy nhiên, chỉ có từ 30%-65% số học sinh trên có mặt trên lớp học vì các trường đã tổ chức học lệch ca cũng như kết hợp học trực tuyến nhằm giữ khoảng cách giữa các học sinh.

Chính phủ Indonesia cũng cho phép mở cửa trở lại theo từng giai đoạn đối với các trường học nằm trong các khu vực ít rủi ro lây nhiễm bệnh, hay còn gọi là "vùng Xanh", bắt đầu vào tháng 7 này tại khoảng 90 thành phố và huyện thị, chiếm 6% tổng số học sinh trên toàn quốc, trong khi 94% còn lại vẫn tiếp tục học theo hình thức trực tuyến.

Lễ khai giảng năm học 2020-2021 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/7 tới. Tuy nhiên, phụ huynh là người "có tiếng nói cuối cùng" trong việc cho phép học sinh đến trường. Nếu họ cảm thấy không an tâm, nhà trường cần tiếp tục tổ chức học trực tuyến.

Trong khi đó, nhiều quốc gia như Philippines, Israel, Campuchia hay Senegal… lại giữ nguyên quyết định dạy học trực tuyến vào thời điểm này.

Trong những ngày gần đây, nhiều bậc phụ huynh trên khắp thế giới cũng đứng ngồi không yên trước thông tin Mỹ có thể trục xuất 1 triệu học sinh quốc tế - nếu những trường các em theo học vẫn dạy trực tuyến hoàn toàn vào kỳ học mùa Thu tới. Vậy là những học sinh từng được khuyến khích hãy học trực tuyến để tránh dịch, giờ lại buộc phải chọn tự giác bảo lưu một năm học hoặc chuyển trường khác nếu không muốn mất thị thực Mỹ. Rõ ràng chẳng ai muốn bỏ hàng nghìn USD học phí chỉ để nhận bài giảng qua mail và phải thức lệch múi giờ để học cả.

Học đi đôi với "hành"

2020 - Sự học cũng lắm gian nan - Ảnh 8.

Cánh cửa nhiều trường đại học ở Mỹ dần khép lại với sinh viên quốc tế - Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ cắt ngân sách liên bang dành cho các trường học không mở cửa trở lại cho học sinh đến học trực tiếp trong mùa Thu tới, đồng thời chỉ trích Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) quá cứng nhắc với các hướng dẫn về việc mở lại trường học. Lời cảnh báo mới được đưa ra cách đây hai ngày, càng khiến không chỉ sinh viên, mà cả các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ "cuống cuồng".

"Phe Dân chủ nghĩ rằng sẽ rất tệ với họ về chính trị nếu các trường học của Mỹ mở cửa trở lại trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, nhưng điều đó là quan trọng đối với học sinh và các gia đình. Trường nào không mở cửa lại sẽ bị cắt ngân sách" - Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter.


Ông Donald Trump lập luận rằng các trường học đã mở lại và "không gặp vấn đề gì" tại Đức, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và nhiều nước khác. Tuy nhiên, những nước mà ông kể ra lại ghi nhận số ca mắc COVID-19 ít hơn nhiều so với Mỹ.

Trong tuần này, Tổng thống Trump và các quan chức dưới quyền cũng đã tìm cách gây sức ép lớn nhằm kêu gọi chủ tịch các trường đại học và giới chức địa phương nối lại việc học tập trực tiếp, trong nỗ lực nhằm khuyến khích đất nước trở lại bình thường.

Ngày 1/8 là thời điểm các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ phải đưa ra quyết định sẽ tiếp tục cho sinh viên học trực tuyến, hay kết hợp với việc lên lớp theo một tỷ lệ nào đó. Các trường quyết định dạy theo hai phương pháp sẽ phải chứng minh rằng sinh viên nước ngoài của họ đến lớp học trực tiếp ngay khi có thể để duy trì quy chế cư trú.

Trong động thái mới nhất nhằm bảo vệ sinh viên của mình, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts ( M.I.T) đã kiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên quan đến sắc lệnh dọa "trả về địa phương" những sinh viên quốc tế đăng ký học online hoàn toàn.

Sinh viên 21 tuổi người Venezuela đang nhận học bổng tại trường Đại học Kenyon của Ohio, Raul Romero đang không dám nghĩ đến tình huống phải trở về quê nhà.

2020 - Sự học cũng lắm gian nan - Ảnh 10.

Sinh viên Raul Romero không muốn bỏ dở việc học tập tại Mỹ - Ảnh : Reuters

"Rời Mỹ vào thời điểm này là điều tôi không thể làm được. Không có chuyến bay thẳng nào từ Mỹ tới Venezuela. Nếu phải về nhà, tôi sẽ đối mặt với việc mất điện liên tục, không có kết nối Internet. Mất tiền học phí mà chỉ được học trực tuyến và phải ngừng tham gia vào các nghiên cứu ở trường nữa. 

Điều này sẽ khiến tôi không thể theo kịp các bạn học khác. Đấy là chưa kể cuộc sống ở Venezuela bây giờ rất khó khăn, thiếu lương thực, đương nhiên tôi cũng không thể kiếm việc làm thêm để trang trải học phí", anh Raul Romero cho biết.

2020 - Sự học cũng lắm gian nan - Ảnh 11.

Sinh viên Olufemi Olurin ước mơ trở thành nữ y tá sau khi học xong đại học - Ảnh: Reuters

Hay như Olufemi Olurin, sinh viên trường Đại học Eastern Kentucky, bang Kentucky cũng nghĩ cô sẽ mất cơ hội tìm việc làm sau nhiều năm sinh sống và học tập tại Mỹ. "Thật vô nghĩa khi phải trả tiền cho một nền giáo dục Mỹ mà bạn lại phải học từ xa", Olurin nói. "Điều này thật sự tệ. Tôi đã xây dựng cuộc sống của mình ở đây. Giờ thì có thể tôi sẽ mất cơ hội làm việc, mất tiền học, tiền thuê nhà và nhiều thứ khác".

Alyssa Duan, du học sinh Trung Quốc tại trường Đại học Rochester, bang New York cũng cho biết việc trở về quê nhà là điều rất khó khăn vào thời điểm này.

"Trường em ban đầu có cho sinh viên được lựa chọn học trực tuyến hoặc tại lớp. Em đã chọn học trực tuyến để không phải đi ra ngoài, tránh dịch bệnh. Giờ Chính phủ Mỹ lại bắt buộc phải học trên lớp, tức là giờ em không có lựa chọn nào cả. Học trực tuyến tức là phải về nước. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát thì Trung Quốc và Mỹ đã ngăn hầu hết các chuyến bay. Giá vé để về được lúc này là rất đắt. Bạn bè em có những người mua vé với giá 3.000 USD, thậm chí hơn. Đây là mức giá sinh viên không thể chi trả được".

Cho đến bây giờ chỉ mới có một số trường lớn có giải pháp cụ thể sau quyết định của Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan Mỹ. Đại học Harvard quyết định là năm học tới sẽ chỉ cho phép 40% số sinh viên học trực tiếp trên giảng đường, chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất, còn lại sẽ học trực tuyến. Kỳ thứ 2, đến lượt các sinh viên khóa trên. 

Tuy nhiên để học trực tiếp trên lớp, các sinh viên cũng được kiểm tra sức khỏe và đảm bảo giãn cách xã hội. Nhưng Harvard là trường đại học có tiềm lực tài chính trong khâu chống dịch, lại ở bang Massachusetts, nơi dịch đã giảm mạnh. Còn với nhiều trường khác tiềm lực nhỏ hơn và ở các bang dịch bùng phát mạnh, thì sinh viên chỉ còn cách về nước hoặc chuyển sang trường khác nếu có thể.

Trong tình huống hiện nay, nhiều sinh viên đã phải thốt lên rằng chưa bao giờ mong muốn được đi học của họ lại khó thành hiện thực như vậy. Có khả năng những học sinh không thể tiếp tục theo học tại Mỹ sẽ đành phải chuyển sang một quốc gia khác và bắt đầu sự học lại từ đầu.

Hết dịch bệnh đến thiên tai cản trở đường học của sĩ tử

2020 - Sự học cũng lắm gian nan - Ảnh 13.

Các thí sinh sau khi kết thúc bài thi cuối cùng tại điểm thi trường trung học số 1 ở tỉnh Hồ Nam - Ảnh Xinhua

Tờ Thời báo Hoàn cầu nhận định năm 2020 là một năm đặc biệt đối với học sinh cấp ba ở Trung Quốc, khi lần đầu tiên nước này phải lùi kỳ thi "cao khảo" một tháng vì dịch COVID-19. Trước đó, lễ chia tay năm học cuối cấp cũng không được tổ chức như thường niên, khiến nhiều học sinh không khỏi tiếc nuối.

Thế nhưng năm 2020 chưa kết thúc sự thử thách đối với lứa học sinh này. Tại nhiều địa phương gặp khó khăn trong công tác tổ chức, hàng nghìn sĩ tử suýt tiếp tục phải lùi kỳ thi do lũ lụt hoành hành trên diện rộng.

Tính đến sáng 10/7, khoảng 1,5 triệu học sinh đã hoàn thành kỳ thi vào đại học khắc nghiệt nhất Trung Quốc. Trong số những học sinh này sẽ có người tiếp tục việc học trong nước, cũng có người theo đuổi ước mơ du học hoặc học nghề. Nhưng dù chọn con đường học tập nào chăng nữa thì lứa học sinh năm nay, ở Trung Quốc nói riêng và trên thế giới nói chung, đều đang nỗ lực để sự học không bị gián đoạn.

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách sống và làm việc của nhiều người dân tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sự học của nhiều học sinh, sinh viên cũng đã đứng trước những thách thức lớn chưa từng có, buộc nhà trường và học sinh phải thay đổi cách học tập. Sự thay đổi đó có thể là bất lợi vào thời điểm hiện tại, nhưng sẽ định hình nên mô hình giáo dục toàn cầu trong tương lai.

Biên tập viên Nguyễn Ngọc Mai, tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Việt Nam, có thời gian 6 năm làm việc tại Trung tâm Tin tức VTV24, nay là VTV Digital với vai trò Biên tập viên quốc tế chuyên theo dõi lĩnh vực y tế - xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước