Hơn 100 người đã thiệt mạng, hàng chục người mất tích do lũ lụt và lở đất ở miền Đông Indonesia. (Ảnh: AP)
Những cơn mưa xối xả từ cơn bão nhiệt đới Seroja, một trong những cơn bão có sức hủy diệt lớn nhất đổ bộ vào khu vực này trong nhiều năm qua, đã biến các vùng đất ở miền Đông Indonesia thành khu vực hoang hóa với bùn và cây bật gốc. Hàng nghìn người đã phải sơ tán đến nơi trú ẩn trong bối cảnh mất điện trên diện rộng.
Ngày 8/4, hai tàu hải quân đã vận chuyển hàng cứu trợ đã tới những địa phương bị bão tàn phá nặng nề nhất. Các tàu đã cập cảng đảo Lembata và đảo Adonara bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, các tàu bệnh viện cũng đang trên đường đến cụm đảo bị bão tàn phá ở miền Đông Indonesia, nơi hàng nghìn người đã bị mất nhà cửa và hàng chục người hiện vẫn đang mất tích.
Cơn bão đã tàn phá miền Đông Indonesia từ cuối tuần trước. (Ảnh: AP)
Các tàu hải quân vận chuyển thực phẩm gồm gạo và mì, chăn và các vật dụng thiết yếu khác cho hơn 20.000 người dân phải sơ tán ở khu vực này.
Ông Kompiang Aribawa, Chỉ huy trưởng căn cứ hải quân khu vực, cho biết: "Hai tàu hải quân đã đến hôm nay. Một con tàu khác sẽ đến vào cuối ngày hôm nay với các bính sĩ được triển khai để giúp đỡ người dân sau thảm họa".
Nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và lở đất. (Ảnh: AP)
Trước đó, Giám đốc Cơ quan giảm thiểu thảm họa quốc gia Indonesia cho biết, một máy bay chở hàng đã rời Jakarta đến khu vực bị thảm họa với khoảng 100.000 khẩu trang, bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 cũng như thức ăn và chăn được chuẩn bị cho những người dân.
Ít nhất 140 người được xác định là đã thiệt mạng do lũ lụt và lở đất ở Indonesia, 37 người khác đã tử vong ở quốc gia láng giềng Đông Timor.
Hơn 70 người hiện vẫn đang bị mất tích. Lực lượng cứu hộ Indonesia đã sử dụng chó đánh hơi để tìm kiếm các thi thể và người sống sót trong những đống đổ nát.
Người dân phải đi sơ tán, sống trong những địa điểm trú ẩn chật chội. (Ảnh: AP)
Các bệnh viện, nhiều cây cầu và hàng nghìn ngôi nhà đã bị hư hại hoặc bị phá hủy bởi cơn bão. Trong lúc này, giới chức Indonesia và Đông Timor đang phải nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19 đối với người dân đi sơ tán trong những địa điểm trú ẩn chật chội.
Các nhà bảo vệ môi trường cho biết, tình trạng sạt lở đất và lũ quét gây chết người thường xảy ra trên khắp Indonesia trong mùa mưa, nguyên nhân chủ yếu là do nạn phá rừng. Khoảng 125 triệu người dân Indonesia, chiếm gần một nửa dân số của nước này, phải sống trong các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!