Theo số liệu được Tổ chức Phóng viên không biên giới công bố ngày 29/12, 110 nhà báo đã thiệt mạng trong năm 2015. Giống như năm 2014, nhiều phóng viên đã thiệt mạng khi đang tác nghiệp ở những vùng chiến sự. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý trong báo cáo năm 2015 là phần lớn trong số 110 nhà báo này bị giết ở những quốc gia vốn được cho là yên bình.
Báo cáo của Tổ chức phóng viên không biên giới cho thấy, tổng cộng 67 nhà báo được xác định thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ. Các quốc gia đang chìm trong chiến tranh như Iraq và Syria vẫn được cho là các khu vực nguy hiểm nhất thế giới đối với người cầm bút với lần lượt 11 và 10 nhà báo thiệt mạng. Với 8 nhà báo bị giết hại trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi tháng 1/2015 nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở thủ đô Paris, Pháp đứng thứ 3 trong số những quốc gia nguy hiểm nhất cho nhà báo. Ngoài ra, 43 nhà báo trên toàn thế giới đã thiệt mạng trong các trường hợp không rõ lý do và 27 nhà báo nghiệp dư cùng 7 nhân viên truyền thông khác cũng bị giết trong năm 2015.
Ông Christophe Deloire, Tổng Thư ký Tổ chức phóng viên không biên giới, cho biết: “Nhìn vào các số liệu, có thể thấy rằng, trong khi năm 2014 có 2/3 số nhà báo bị giết hại ở các khu vực chiến sự, trong năm nay 2/3 số nhà báo bị giết hại ở các quốc gia hòa bình. Phần lớn không phải là họ tác nghiệp ở sai vị trí, sai thời điểm trong một vụ đánh bom. Những người giết hại nhà báo nhằm mục đích cản trở công việc các nhà báo đang làm”.
Theo Tổ chức phóng viên không biên giới, việc nhiều nhà báo đã bị thiệt mạng cho thấy, những người hoạt động trong giới truyền thông không được bảo vệ và Liên Hợp Quốc cần phải hành động để bảo vệ người cầm bút. Tổ chức này cho rằng cần phải thiết lập một cơ chế đặc biệt để các nước tuân thủ luật quốc tế bảo vệ nhà báo.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.