"Trái đất và nhựa" là chủ đề của Ngày Trái đất năm nay. Chủ đề này được lựa chọn để kêu gọi các quốc gia cắt giảm 60% sản lượng tất cả các loại sản phẩm nhựa vào năm 2040, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Một trong những cách thức đơn giản nhưng hiệu quả mà mỗi cá nhân trong chúng ta có thể thực hiện để hạn chế lượng rác thải nhựa là cố gắng tiêu dùng xanh hơn, nói không với các loại bao bì nhựa.
Bà Enck - một cư dân sống tại New York, Mỹ - từ lâu đã nói không với túi ni-lông hay bao bì nhựa trong các chuyến đi mua sắm tại siêu thị. Thay vào đó, bà lựa chọn hộp thủy tinh hay những chiếc túi có thể tái sử dụng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Bà Judith Enck - Chủ tịch nhóm vận động vì môi trường Beyond Plastics - chia sẻ: "Nhà tôi ăn rất nhiều bơ đậu phộng nên tôi lựa chọn các loại đựng trong lọ thủy tinh thay vì lọ nhựa. Tôi mua một ít cam và cho vào đựng trong túi có thể tái sử dụng. Còn khi mua cá, tôi yêu cầu cửa hàng không cho vào túi nhựa, mà chỉ bọc bằng giấy".
Theo bà Enck, loại bỏ nhựa trong đời sống hàng ngày là một nhiệm vụ không hề dễ dàng nhưng sự nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân có thể mang lại những kết quả tích cực: "Ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Các siêu thị lớn sẽ chú ý hơn, khi mọi người yêu cầu ít bao bì nhựa hơn. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến trẻ em. Nếu đi mua sắm với con, bạn hãy giải thích cho con mình hiểu lý do vì sao chọn lọ thủy tinh thay cho lọ nhựa. Đó là cơ hội giáo dục rất tốt".
PGS. James Sternberg - Đại học Clemson, Mỹ - nói: "Tất cả chúng ta đều cần tham gia và hiểu rõ chúng ta đang dùng loại bao bì nào, tạo ra loại rác thải nào, cũng như cách tái chế chúng. Cần có sự tham gia của chính những người tiêu dùng, của những người dân bình thường để xử lý chất thải một cách hiệu quả nhất".
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, mỗi năm, con người sản xuất ra khoảng 400 triệu tấn nhựa. Trong đó, chỉ 9% được tái chế, còn khoảng 79% bị thải ra các bãi rác hoặc môi trường và có thể tồn tại trong thời gian dài do sự khó phân hủy. Các chuyên gia ước tính nếu không có sự thay đổi đáng kể trong việc sử dụng và tái chế nhựa, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỉ tấn rác thải nhựa bị thải ra, gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!