Hàn Quốc: Làn sóng đình công và thách thức của ngành y tế

Nguyễn Mai, Việt Linh-Thứ năm, ngày 29/02/2024 14:29 GMT+7

VTV.vn - Hơn 10.000 bác sĩ nội trú và thực tập sinh đồng loạt đình công suốt 10 ngày qua đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho ngành y tế Hàn Quốc.

Hạn chót "tối hậu thư" của chính phủ Hàn Quốc

Các cuộc đình công của khoảng 1 vạn bác sĩ thực tập và nội trú tại Hàn Quốc đã kéo dài sang ngày thứ 10 và tiếp tục là tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Hôm nay, 29/2, cũng chính là hạn chót mà chính phủ Hàn Quốc đưa ra để yêu cầu các bác sĩ nội trú đình công quay trở lại làm việc nếu không muốn bị đối diện với những hậu quả về chuyên môn và pháp lý.

Trong diễn biến mới nhất, hôm 28/2, Bộ Y tế Hàn Quốc đã tiến hành kiện 5 bác sĩ về hành vi vi phạm luật y tế và cản trở nghiệp vụ, với cáo buộc họ đã khuyến khích các bác sĩ thực tập tham gia đình công. Để tạm thời giảm bớt áp lực với các bệnh viện do thiếu nhân lực, chính phủ Hàn Quốc cũng điều động các bác sĩ quân y tới hỗ trợ ở nhiều bệnh viện công, và cho phép áp dụng việc chẩn đoán bệnh và tư vấn y tế từ xa, hay telemedicine tại các bệnh viện. Bài phát biểu mới nhất của Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng thể hiện quan điểm cứng rắn rằng, chính phủ của ông sẽ không nhượng bộ các bác sĩ và vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.

Hàn Quốc: Làn sóng đình công và thách thức của ngành y tế - Ảnh 1.

Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa tìm được giải pháp triệt để cho cuộc đình công chưa từng có trong ngành y tế (Ảnh: AP)

Người bệnh Hàn Quốc gặp khó khăn khi thiếu bác sĩ

Tình trạng hỗn loạn hiện nay tại các bệnh viện Hàn Quốc do đình công là bởi các bác sĩ thực tập và nội trú là một mắt xích hết sức quan trọng, chiếm tới 40% nhân sự tại nhiều bệnh viện lớn. Khi không còn đủ các "lương y" túc trực tại bệnh viện, người bệnh nhiều khi không biết bấu víu vào ai để có thể giúp đỡ với tình trạng bệnh tật của họ.

Vật lộn với cơn đau từ chiếc chân bị gãy nhưng anh Kim đã bị 3 bệnh viện ở Seoul từ chối điều trị, với lý do chung là "không đủ nhân lực". Phải đến trung tâm y tế thứ 4, cái chân gãy của anh Kim mới được xử lý.

Các bác sĩ đình công khiến gần như toàn bộ hệ thống y tế bị đình trệ, buộc các bệnh viện phải từ chối bệnh nhân và hủy bỏ các ca phẫu thuật. Giới chuyên môn cứ tranh cãi, còn bệnh nhân vừa đau, vừa tức giận.

Cuộc đình công của bác sĩ nội trú đã làm gián đoạn nhiều dịch vụ tại các bệnh viện lớn. Nhiều bệnh nhân phải cấp cứu hoặc có lịch điều trị cố định buộc phải chuyển đến những cơ sở y tế nhỏ hơn.

Anh Lee Joo-Hyung - bệnh nhân hen suyễn - nói: "Tôi được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn nên 3 tháng phải đến bệnh viện để lấy thuốc một lần. May mắn là hôm nay tôi đã được điều trị nhưng vì nhiều bác sĩ đã nộp đơn từ chức nên chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo".

Nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực tại các bệnh viện, Chính phủ Hàn Quốc ngày 27/2 cũng bắt đầu thí điểm chỉ định y tá làm thay cho nghiệp vụ của các bác sĩ nội trú tại bệnh viện lớn. Ủy ban Phòng chống tai nạn và Quản lý an toàn trung ương cùng ngày đã triệu tập phiên họp để thảo luận việc xây dựng "Luật về trường hợp đặc biệt khi xử lý sự cố y tế", trong đó miễn truy tố với nhân viên y tế gây ra sự cố y tế nếu người đó tham gia bảo hiểm trách nhiệm.

Ủy ban này cũng đang tiến hành điều tra vụ việc một bệnh nhân ngoài 80 tuổi tử vong do ngừng tim sau khi bị 7 trung tâm cấp cứu tại thành phố Daejeon từ chối tiếp nhận hôm 23/2 vừa qua.

Thách thức của ngành y tế Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc hiện nay, số lượng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ hàng năm được cố định ở mức 3.058 người - một con số đã đứng vững từ gần 20 năm nay, cho thấy điều kiện rất khắt khe của nghề bác sĩ, khi mỗi năm hàng vạn thí sinh ứng tuyển vào các trường y trên khắp nước này. Nhưng từ vài năm qua, số lượng chỉ tiêu bác sĩ này lại đang trở thành một mối lo ngại không nhỏ với giới chức Hàn Quốc.

Tính tới năm 2021, tỷ lệ bác sĩ trên dân số của Hàn Quốc chỉ đạt mức 2,6 bác sĩ/1.000 dân - con số thấp nhất được ghi nhận trong những nước phát triển. Ở chiều ngược lại, số lượt điều trị ngoại trú của mỗi người dân lại lên tới 16,6 lượt/năm - cao nhất trong nhóm OECD. Ít bác sĩ, nhu cầu chữa trị nhiều khiến các bệnh viện trở nên quá tải. Dự báo tới năm 2035, xứ sở kim chi có thể thiếu hụt tới hơn 10.000 bác sĩ.

Nhà báo Kim Hyung-Jin - phóng viên chuyên trách y tế, Hãng thông tấn AP - cho biết: "Trung tâm của cuộc tranh luận này là việc chính phủ dự định tăng thêm chỉ tiêu đào tạo bác sĩ thêm 2.000 người/năm kể từ năm tới. Họ tin rằng đây là hành động cấp thiết khi mà Hàn Quốc đang phải đối diện tình trạng dân số già hóa nhanh chóng. Nhưng giới bác sĩ thì cho rằng, các trường y khó có thể đáp ứng một con số lớn như vậy trong tương lai gần".

Câu chuyện không chỉ dừng ở vấn đề năng lực đào tạo. Nhiều bác sĩ trẻ như anh Ryu đang thực tập tại khoa cấp cứu một bệnh viện lớn tại Seoul tin rằng, chính phủ đưa ra kế hoạch trong khi chưa giải quyết những quyền lợi chính đáng của họ đó là thời gian làm việc kéo dài trong khi thu nhập không xứng đáng.

Anh Ryu Ok Hada - bác sĩ thực tập - cho biết: "Bác sĩ thực tập như tôi phải làm việc 100 giờ mỗi tuần. Chúng tôi bắt đầu làm việc vào lúc 4h đến 6h sáng và hưởng lương tháng khoảng 2 - 4 triệu Won chứ không phải là hàng chục triệu như những bác sĩ lâu năm. Hệ thống y tế đang vắt kiệt sức lực của các thực tập sinh như chúng tôi".

Một vấn đề khác là tình trạng chênh lệch lớn về thu nhập và điều kiện làm việc ngay bên trong ngành y, giữa các lĩnh vực và vùng miền. Theo các bác sĩ, chừng nào những vấn đề này chưa được giải quyết, tăng thêm nhân sự sẽ chỉ càng khiến sinh viên y ra trường nhảy vào những ngành hấp dẫn như phẫu thuật thẩm mỹ hay da liễu, hay đổ về thủ đô Seoul làm việc.

Còn những vị trí khác thiếu vẫn hoàn thiếu, như bác sĩ ở các vùng nông thôn, bác sĩ nhi hay sản phụ khoa. Hồi năm 2023, truyền thông Hàn Quốc đã phải cảnh báo tình trạng hàng trăm bác sĩ nhi chuyển sang lĩnh vực khác, gây tắc nghẽn điều trị ở những phòng khám nhi trên cả nước, ngay trong thời điểm Hàn Quốc muốn thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh hiện đang ở mức thấp kỷ lục.

Giải pháp nào cho khủng hoảng y tế Hàn Quốc?

Giáo sư Kim Sung- Geun - Đại học Công giáo Hàn Quốc - cho rằng: "Một sinh viên y khoa cần 10 năm học tập để có thể hành nghề. Bởi vậy tăng chỉ tiêu đào tạo sẽ không có tác dụng ngay đến số lượng bác sĩ ở các lĩnh vực đang thiếu. Nếu chính phủ quá mạnh tay xử lý các bác sĩ thực tập, một thảm họa y tế có thể xảy ra do thiếu nhân lực kéo dài. Tôi hy vọng chính phủ chủ động đàm phán một hướng đi có sự hỗ trợ tốt nhất cho các bác sĩ hiện nay".

Bác sĩ Alice Tan - Khoa nội, Bệnh viện nữ MizMedi - cho biết thêm: "Nhiều trường y hiện đã bắt đầu tính toán việc tăng số lượng đầu vào đào tạo nhưng bên cạnh đó còn là vấn đề phân phối nguồn nhân lực. Chẳng hạn có những nước đưa ra yêu cầu bác sĩ nội trú phải có 3 - 4 năm làm việc ở vùng nông thôn trước khi cấp bằng hành nghề chính thức".

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã từng kêu gọi các bác sĩ không nên "lấy mạng sống người bệnh để làm đòn bẩy" cho lợi ích của bản thân. Với phần đông các bác sĩ - những người đã đọc lời thề Hippocrates, với mục tiêu cao cả, họ cũng sẽ không mong muốn phải hi sinh uy tín và đạo đức nghề nghiệp của mình.

Nhưng rõ ràng sẽ cần rất nhiều nỗ lực và thiện chí để các bên hợp tác, tìm ra một giải pháp có lợi nhất và quan trọng nhất là đảm bảo trên hết quyền lợi của bệnh nhân.

Hàn Quốc nâng cảnh báo khủng hoảng y tế lên mức cao nhất Hàn Quốc nâng cảnh báo khủng hoảng y tế lên mức cao nhất

VTV.vn - Chính phủ Hàn Quốc đã nâng cảnh báo nguy cơ khủng hoảng y tế lên mức "nghiêm trọng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước