Rác thải đã và đang là mối đe dọa đến cuộc sống của cư dân trên toàn cầu. Sự phát triển kinh tế cùng sự gia tăng dân số không ngừng đang khiến rác thải sinh hoạt, rác thải điện tử và y tế xả ra môi trường ngày càng nhiều.
Việc xử lý và tiêu hủy số rác thải thường tốn chi phí cao, trong khi đó, việc ban hành và thực thi các quy định về môi trường còn lỏng lẻo kèm theo nhận thức hạn chế của người dân về bảo vệ việc môi trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm rác thải gia tăng.
Vì mục đích lợi nhuận, nhiều đối tượng và doanh nghiệp lợi dụng các kẽ hở về luật pháp nhằm gian lận thuế thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải hoặc rửa tiền bằng việc buôn bán rác thải.
Rác thải được phân loại và dán mã như những mặt hàng thông thường hoặc giấu trong các container hàng xuất khẩu khác để đánh lừa các cơ quan thực thi pháp luật và vận chuyển bất hợp pháp xuyên biên giới. Ước tính đến năm 2018, sẽ có khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử thải ra môi trường.
Rác thải điện tử có giá trị trung bình lên tới 500 USD/tấn trong khi chỉ 10 - 40% trong số này được tái chế và xử lý đúng cách. Điểm đến của các loại rác thải, trong đó có rác thải điện tử là các quốc gia như Ghana, Nigeria, Cote D'Ivoire và CH Congo ở châu Phi hay các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.
Nếu không được xử lý đúng cách, rác thải có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, đất và nước, đồng thời gây hại cho sức khỏe của con người. Một số hóa chất và kim loại nặng trong rác thải, đặc biệt là rác thải điện tử như chì, thủy ngân hay arsen được biết đến như là nguyên nhân của những căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, suy giảm nhận thức hay khiến các cơ quan nội tạng bị hủy hoại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!