Các nước châu Âu đã phải mất gần 9 năm, 2 nhiệm kỳ Nghị viện kể từ sau cuộc khủng hoảng tị nạn vào năm 2015 mới có thể đi đến một thỏa thuận về di cư và tị nạn - một vấn đề nhạy cảm.
Hiệp ước Di cư và Tị nạn đã được thông qua nhưng với kết quả chỉ vừa đủ để không bị bác bỏ. Cho đến những phút cuối cùng, các quốc gia thành viên và những xu hướng chính trị tại Nghị viện châu Âu vẫn tiếp tục tranh luận. Cuối cùng thì các bên cũng thỏa thuận được nhưng không bên nào cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Tuy nhiên, việc thông qua được thỏa thuận về một vấn đề nhạy cảm đến như vậy cũng được coi như một thời khắc lịch sử của Liên minh châu Âu.
Bà Roberta Metsola - Chủ tịch Nghị viện châu Âu - phát biểu: "Chúng tôi đã cam kết tạo dựng một cơ chế mới, công bằng, bảo vệ những người đủ điều kiện tị nạn và cứng rắn với những người không đủ điều kiện. Một cơ chế mạnh mẽ chống lại những dường dây đưa người. Tối nay, chúng tôi đã thực hiện được lời hứa đó".
Hiệp ước mới đưa ra bộ quy tắc quản trị nhập cư nhất quán, áp dụng như nhau tại tất cả các nước châu Âu. Người tới Liên minh châu Âu xin tị nạn hoặc nhập cư trái phép sẽ bị tạm giữ ngay tại biên giới để phân loại, sau tối đa 7 ngày sẽ được hướng dẫn xin quy chế tị nạn hoặc bị trục xuất khỏi Liên minh châu Âu và phải rời đi sau tối đa 12 tuần. Một cơ sở dữ liệu chung về từng cá nhân sẽ được tạo lập, qua đó người nhập cư lăn tay và chụp ảnh ở nước nào thì các nước khác cũng lập tức có thông tin.
Hiệp ước Di cư và Tị nạn thiết lập một cơ chế chia sẻ trách nhiệm để các nước giảm tải cho nhau trong việc tiếp nhận, phân loại và tái định cư. Hiệp ước cũng dự kiến các kịch bản đối phó với khủng hoảng di cư - bao gồm cả trường hợp một nước gần kề dồn người di cư tới sát biên giới châu Âu nhằm gây sức ép.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - tuyên bố: "Giờ đây chúng ta đã có cơ sở pháp lý bảo vệ biên giới bên ngoài. Mọi người nhập cư sẽ được đối xử như nhau. Những người đủ tư cách tị nạn sẽ được bảo vệ, những người không hội đủ điều kiện sẽ bắt buộc phải hồi hương".
Hiệp ước Di cư và Tị nạn được thông qua vào thời điểm tranh cử Nghị viện châu Âu khóa mới sắp bắt đầu. Cách thức quản trị dòng người di cư là ưu tiên hàng đầu của tất cả các đảng ở châu Âu khi thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình.
Quy tắc hiện nay là người nhập cư tới nước nào đầu tiên thì nước đó có trách nhiệm xem xét đơn xin tị nạn. Cơ chế mới tập trung vào phân loại tại biên giới và liên thông dữ liệu. Sẽ có những trại tạm giữ ở ngay biên giới, đủ chỗ cho 120.000 người cùng lúc. Tại đó, người nhập cư được phân loại trong vòng 7 ngày, nếu không đủ điều kiện xin tị nạn sẽ bị trục xuất ngay, nếu có thể đủ điều kiện tị nạn thì được hướng dẫn làm thủ tục xin tị nạn. Như vậy, những người nhập cư trái phép sẽ không đi sâu được vào bên trong lãnh thổ châu Âu. 27 nước EU đều phải chung tay hỗ trợ nhân lực vật lực vận hành các trại tạm giữ, phân loại và phải tiếp nhận tái định cư những người đủ điều kiện tị nạn.
(Ảnh: Irish Defence Forces)
Hiệp ước Di cư và Tị nạn giúp châu Âu giành lại quyền chủ động bằng cách đưa ra những quy tắc thuận lợi cho nhập cư hợp pháp, dùng nhập cư hợp pháp để chống lại nạn đưa người. Nhập cư hợp pháp giúp châu Âu thực hiện đúng công ước quốc tế và bổ sung nguồn nhân lực mà châu Âu đang cần. Hiệp ước Di cư và Tị nạn khuyến khích người nước ngoài nhập cư vào châu Âu theo con đường hợp pháp, xin thị thực đi học hoặc đi làm. Hiệp ước tạo ra sự tương phản mạnh - nới lỏng nhập cư hợp pháp, tạo thêm thuận lợi cho người nước ngoài nhập cư hợp pháp được cư trú lâu dài ổn định, đồng thời siết chặt di cư trái phép, đẩy nhanh phân loại và trục xuất những người không đủ điều kiện.
Theo dự kiến, Hiệp ước Di cư và Tị nạn sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026. Toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ có 2 năm để chỉnh sửa luật pháp quốc gia cho phù hợp với thỏa thuận chung.
Tuy không tạo ra khủng hoảng như hồi năm 2015 nhưng dòng người di cư từ châu Á và châu Phi vẫn tiếp tục hướng tới châu Âu. Trong năm 2023, 1,1 triệu người đã tới Liên minh châu Âu xin tị nạn, cộng với khoảng từ 238.000 đến 380.000 người nhập cư trái phép nhưng không ra trình diện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!