Người di cư vào châu Âu. (Ảnh: AP)
Ngày 25/2, Bộ trưởng Ngoại giao và Tư pháp của 28 nước châu Âu đã họp tại Brussels để tiếp tục tìm cách giải quyết khủng hoảng tị nạn. Không chỉ có cuộc họp này, những diễn biến từ đầu tuần cho thấy: trước cuộc khủng hoảng kéo dài này, các nước châu Âu đang bất đồng sâu sắc ở mức độ chưa từng thấy. Ngày càng có thêm các nước đơn phương áp dụng chính sách riêng trong khi Liên minh châu Âu (EU) bất lực, sau hơn một năm loay hoay, vẫn chưa có chính sách chung nào hữu hiệu để đối phó với làn sóng tị nạn.
Hôm thứ Ba, Bỉ tái lập kiểm soát trên đường biên giới với Pháp do lo ngại Pháp giải tán một trại tạm cư bất hợp pháp và hàng ngàn người tị nạn sẽ tràn sang Bỉ. Đã có tới 7 nước trong tổng số 28 nước đã ký Hiệp ước Schengen tái lập kiểm soát biên giới.
Hôm thứ Tư, Áo mời các nước Balkans, trong đó có nhiều nước không phải thành viên Liên minh châu Âu tới thủ đô Vienna để thảo luận về một thoả thuận riêng nhằm hạn chế người tị nạn tới Áo qua đường Balkans.
Cùng ngày hôm đó, Hungary thông báo tổ chức trưng cầu dân ý, với mục đích bác bỏ kế hoạch của Ủy ban châu Âu phân bổ người tị nạn đều cho các nước.
Ngày 25/2, tại nước Đức, với chính sách tiếp nhận nhập cư thoáng nhất châu Âu, Quốc hội đã biểu quyết siết chặt thủ tục đoàn tụ gia đình.
Nếu tính từ đầu năm, còn phải kể tới Đan Mạch ra luật tịch thu tài sản của người tới xin tị nạn. Phần Lan dự tính trục xuất từ 20.000 đến 32.000 người không đủ điều kiện tị nạn. Còn Thuỵ Điển dự kiến số người bị trục xuất lên tới 80.000.
Mỗi nước châu Âu buộc phải tự xoay xở theo cách riêng, vì cho tới lúc này, Liên minh châu Âu vẫn lúng túng chưa nhất trí được sẽ phải cùng nhau làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn. Hội nghị thượng đỉnh tuần trước và cuộc họp của các Ngoại trưởng trong tuần này đều đã không đạt được kết quả cụ thể nào.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.