Các nền kinh tế lớn đều có chỉ số PMI giảm trong tháng 7
Hiện khu vực châu Á đang trông đợi vào đà hồi phục của ngành sản xuất để tạo ra tăng trưởng, sau khi đã dỡ bỏ các biện pháp chống dịch và tháo gỡ những khó khăn của chuỗi cung ứng.
Theo khảo sát, các nền kinh tế lớn tại khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều chứng kiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất giảm trong tháng 7. Các chuyên gia nhận định, chỉ số này có thể tiếp tục suy yếu trong thời gian tới khi số lượng đơn đặt hàng giảm, triển vọng việc làm ảm đạm và mức tồn kho cao.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng của của Trung Quốc đã giảm xuống 49,2 trong tháng 7 từ mức 50,5 trong tháng 6, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích là 50,3 và đánh dấu hoạt động giảm đầu tiên kể từ tháng 4. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc suy giảm trong tháng 7, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà máy trên khắp châu Á.
Chỉ số PMI của Nhật Bản đã giảm xuống 49,6 trong tháng 7, giảm từ 49,8 trong tháng 6, do nhu cầu trong và ngoài nước yếu. Trong khi đó, chỉ số này của Hàn Quốc ở mức 49,4 trong tháng 7, tăng từ 47,8 trong tháng 6 nhưng vẫn ở dưới ngưỡng 50. Còn tại Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng trong hoạt động sản xuất đã chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp, nhưng tốc độ mở rộng sản xuất vẫn tương đối hiệu quả.
Tại Việt Nam, theo số liệu mới nhất từ S&P Global, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, so với mức 46,2 điểm của tháng 6. Dù dưới ngưỡng 50 điểm nhưng theo các chuyên gia của S&P, đã có những dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất của Việt Nam đang có xu hướng ổn định trở lại.
Các số liệu sản xuất suy giảm từ Trung Quốc, kết hợp với lạm phát dai dẳng ở Mỹ và châu Âu đang khiến nhu cầu đối với hàng hóa mà châu Á sản xuất ra không thể bật tăng.
Với bộn bề khó khăn từ trong nước như thị trường bất động sản khá ảm đạm, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa đủ mạnh cho mở rộng sản xuất, tăng chi tiêu; còn bên ngoài thì xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp vì nhu cầu yếu, lạm phát ở Âu Mỹ cao. Trong bối cảnh ấy, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất những tháng còn lại sẽ được cải thiện nhờ các giải pháp mạnh từ chính phủ, nhưng bứt phá.
Trung Quốc, nhà xuất khẩu số 1 cũng là nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới nên khi sản xuất co cụm, xuất khẩu yếu, nhu cầu trong nước không tăng mạnh thì ảnh hưởng rõ nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vì đơn hàng giảm. Samsung quý 2 lợi nhuận giảm đến 95%, giảm mạnh nhất là chip, hãng chip TSMC Đài Loan (Trung Quốc) cũng giảm mạnh lợi nhuận, PMI của công xưởng thế giới giảm cũng đè nặng lên sự tăng trưởng các nhà máy của châu Á, triển vọng tăng trưởng cũng khó nhảy vọt. Riêng khu vực ASEAN bị ảnh hưởng ít hơn vì theo các chuyên gia, nền kinh tế nhiều nước này nhận được sự hỗ trợ mạnh từ thị trường nội địa.
Triển vọng những tháng cuối năm
Động lực lớn được Chính phủ Trung Quốc tập trung là thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân phát triển mạnh. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia vừa công bố các giải pháp cụ thể, theo đó các công ty tư nhân sẽ được giảm thuế dễ dàng hơn trong chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong quá trình sản xuất, tăng cường hỗ trợ tài chính toàn diện. Chính phủ sẽ cải thiện nhiều dịch vụ, xóa mạnh tệ nạn quan liêu, xóa nợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là chất xúc tác để doanh nghiệp tư nhân tự tin đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm cho xã hội.
Các chuyên gia phương Tây nhận định, so với các nền kinh tế lớn Mỹ, Nhật thì Trung Quốc có bước tăng trưởng tốt, vẫn là động lực cho tăng trưởng toàn cầu. Các chính sách mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay khoảng 5% nhưng khó bứt phá cao hơn.
Áp lực lên hoạt động sản xuất của các nhà máy khắp châu Á trong quý I và quý II năm nay đều gia tăng. Theo các chuyên gia, từ nhu cầu toàn cầu chậm lại, cho đến căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự phục hồi tạm thời sau COVID-19, các nhà sản xuất của Trung Quốc đang phải đối mặt với một số cơn gió ngược mạnh nhất trong nhiều năm. Mà bức tranh phức tạp của nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng chung của khu vực và toàn cầu.
Các dữ liệu này một lần nữa nhấn mạnh thách thức mà các nhà hoạch định chính sách khu vực phải đối mặt, sẽ phải tìm giải pháp để vừa kiềm chế lạm phát bằng chính sách tiền tệ thắt chặt, đồng thời ngăn chặn những cơn gió ngược từ nguy cơ suy thoái tiềm tàng ở các nền kinh tế lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!