Hội nghị mùa Xuân thảo luận các vấn đề cấp bách nhất của kinh tế thế giới

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 11/04/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới bắt đầu khai mạc ngày 10/4 tại Washington D.C (Mỹ).

Nhiều nhà lãnh đạo các nền kinh tế trên thế giới, các ngân hàng trung ương cùng đại diện khu vực tư nhân, xã hội sẽ tham gia hội nghị này. Hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề cấp bách nhất của kinh tế thế giới trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại trong năm nay. Chương trình nghị sự năm nay bao gồm một loạt vấn đề nóng, đó là triển vọng kinh tế thế giới, nỗ lực giảm đói nghèo, nâng cao hiệu quả viện trợ.

Ngay trước thềm hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá, sau khi phục hồi mạnh mẽ năm 2021, nền kinh tế thế giới hứng chịu cú sốc nghiêm trọng từ cuộc xung đột ở Ukraine và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990.

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: "Tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đã giảm gần một nửa, từ 6,1% xuống còn 3,4%. Ðà tăng trưởng được dự báo tiếp tục chậm lại trong năm nay, IMF dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng ở mức dưới 3% trong năm nay".

Tốc độ tăng trưởng có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm quốc gia. Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt ở châu Á, là những điểm sáng về động lực tăng trưởng.

Ông Albert Park - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): "Châu Á đang phát triển nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới và đang đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác".

Hội nghị mùa Xuân thảo luận các vấn đề cấp bách nhất của kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Trong khi đó, hoạt động kinh tế chậm lại ở Mỹ và khu vực đồng Euro, nơi lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng. Khoảng 90% số các nền kinh tế tiên tiến được dự báo có tốc độ tăng trưởng giảm trong năm 2023. Điều này tác động tới các nước có thu nhập thấp do họ phải chịu lãi suất cho vay cao hơn, trong khi nhu cầu với sản phẩm xuất khẩu sụt giảm. Mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở các nước có thu nhập thấp tiếp tục thấp hơn mức tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi.

Theo IMF, khoảng 15% số quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và 45% đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương do nợ cao, khoảng 25% số nền kinh tế mới nổi thu nhập thấp có rủi ro cao và phải đối mặt với tình trạng gần như "vỡ nợ".

Chính vì lẽ đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass ngày 9/4 tuyên bố giải quyết bế tắc trong tái cơ cấu nợ, đặc biệt là đối với các nước nghèo nhất thế giới sẽ là vấn đề trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay.

Không phải đợi tới Hội nghị mùa xuân, kinh tế tăng trưởng chậm lại với những "cơn gió ngược" đã trở thành câu chuyện phủ sóng toàn cầu trong những tháng đầu năm nay. Các cơn gió ngược này dù đã giảm cường độ, đem lại những tín hiệu tươi sáng hơn, song vẫn đe dọa đến tăng trưởng toàn cầu.

Giữa bối cảnh đó, Ấn Ðộ và Trung Quốc được dự báo sẽ đóng góp tới hơn một nửa mức tăng trưởng toàn cầu năm nay. Đây là những động lực quan trọng, là điểm sáng của bức tranh kinh tế thế giới.

Hội nghị mùa Xuân thảo luận các vấn đề cấp bách nhất của kinh tế thế giới - Ảnh 2.

Kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều thách thức

Hội đồng Đại Tây Dương trích dẫn nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết: Những bất ổn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng gần đây đã làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế; trong khi việc OPEC+ tăng cắt giảm sản lượng dầu cũng khiến triển vọng kinh tế ảm đạm hơn. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang nổi lên là điểm sáng với mức tăng trưởng nhanh hơn dự báo sau khi mở cửa trở lại. Tờ Nikkei trích dẫn một khảo sát từ 28 nhà kinh tế cho biết, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng khoảng 5,6% trong năm nay, vượt mục tiêu 5% mà nước này đưa ra. Các số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tăng, hoạt động dịch vụ phục hồi mạnh mẽ nhờ nhu cầu trong nước.

Một điểm sáng khác là kinh tế Ấn Độ. Ngân hàng thế giới nhận định: Kinh tế Ấn Độ tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. Theo báo cáo cập nhật của Ngân hàng thế giới, kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 6,9% trong năm nay nhờ hoạt động đầu tư mạnh mẽ, tiêu dùng cá nhân tăng cao, xuất khẩu dịch vụ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thách thức là lạm phát vẫn ở mức cao, dự báo ở khoảng 6,7% trong năm nay.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức, các chuyên gia hàng đầu đang kỳ vọng vào động lực tăng trưởng nhờ sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại sau đại dịch.

Hội nghị mùa Xuân thảo luận các vấn đề cấp bách nhất của kinh tế thế giới - Ảnh 3.

Ông Albert Park - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): "Việc tăng dự báo về tăng trưởng ở châu Á chủ yếu được thúc đẩy bởi sự mở cửa trở lại của Trung Quốc. Trước đây chúng tôi đã dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 4,3% trong năm nay, giờ đây chúng tôi dự báo nước này sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong năm nay và thậm chí cao hơn".

Ông Christian Mumenthaler - Giám đốc điều hành Tập đoàn Swiss Re: "Hoạt động kinh tế ở khắp mọi nơi đang bùng nổ và so với các quốc gia khác sau COVID-19, sự phục hồi ở Trung Quốc nhanh hơn do mức tiêu thụ, tiêu dùng lớn... Nếu chúng ta giải quyết một số vấn đề lớn hơn trên toàn thế giới với đối thoại và đồng thuận nhiều hơn, chúng ta sẽ có cơ hội tốt cho tăng trưởng".

Ông Vincent Clerc - Giám đốc điều hành Công ty vận tải Maersk, Đan Mạch: "Việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp tạo ra nhiều cơ hội. Với chúng tôi, đó là việc hỗ trợ các khách hàng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp và phương tiện khác nhau trên khắp thế giới. Điều này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu".

Theo kế hoạch, ngày 11/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ công bố bản báo cáo cập nhật về Triển vọng kinh tế thế giới. Bản cập nhật này sẽ cung cấp cái nhìn rộng hơn về thực trạng các nền kinh tế tại các khu vực khác nhau trên thế giới, cũng như gợi mở những định hướng về chính sách để các nước tìm giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Kinh tế thế giới năm 2023 sẽ có mức tăng trưởng cao Kinh tế thế giới năm 2023 sẽ có mức tăng trưởng cao

VTV.vn - Nhận định chung của giới chuyên gia là kinh tế thế giới năm nay được dự báo sẽ có sự tăng trưởng cao hơn so với những con số được công bố trước đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước