Hội nghị thượng đỉnh ba bên Đức - Pháp - Ba Lan, hay còn gọi là "Tam giác Weimar" được thành lập năm 1991, đã diễn ra từ ngày 15/3 - nhằm thể hiện sự đoàn kết của châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine sau nhiều tuần xích mích giữa các đồng minh. Cuộc gặp này được xem là dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Đức và Pháp.
Từ cuối tháng 2, Pháp và Đức nảy sinh bất đồng về một số vấn đề như việc gửi binh sĩ, cung cấp tên lửa tầm xa, hỗ trợ tài chính… cho Ukraine.
Sự rạn nứt gần giữa các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng, khi ông Macron được cho là đã đưa ra những phát biểu "đi ngược lại mong muốn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz".
Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên Đức - Pháp - Ba Lan lần này, các nhà lãnh đạo đang tìm cách gửi đi một tín hiệu đoàn kết và thống nhất khi Kyiv vật lộn với tình trạng thiếu nguồn lực quân sự.
Nhà lãnh đạo Đức khẳng định: "Chúng tôi sẽ mua thêm nhiều vũ khí hơn nữa cho Ukraine. Ngoài ra, việc sản xuất thiết bị quân sự sẽ được mở rộng, bao gồm cả việc hợp tác với các đối tác ở Ukraine". Ông Scholz cho biết thêm: "Liên minh pháo binh tên lửa tầm xa mới sẽ được thành lập", đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện cam kết đã đưa ra về việc hỗ trợ Ukraine tại một hội nghị ở Paris vào tháng trước.
Trước đó, kế hoạch của Liên minh châu Âu nhằm sản xuất 1 triệu viên đạn pháo cho Ukraine đã thất bại, còn viện trợ cho Ukraine đang bị Mỹ cản trở do những khác biệt chính trị.
Trong khi đó, quan điểm về triển khai lực lượng tới Ukraine đã gây ra bất đồng giữa Pháp và Đức, làm nổi bật sự chia rẽ giữa hai cường quốc hàng đầu của Liên minh châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!