Tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO - nhóm họp theo hình thức "SCO+" - có các quốc gia thành viên, quan sát viên, đối tác đối thoại và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Với khẩu hiệu "Tăng cường đối thoại đa phương - phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững", Hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, hướng đến việc củng cố hợp tác kinh tế, chiến lược an ninh và kết nạp thêm thành viên mới.
Được thành lập vào năm 2001, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hướng tới việc trở thành một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả, đóng vai trò trọng yếu tại khu vực Á - Âu. Từ mục tiêu ban đầu là chống khủng bố, SCO đã mở rộng lĩnh vực hợp tác, tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế và năng lượng. Các quốc gia thành viên SCO đã tăng cường hợp tác trong các sáng kiến kinh tế khu vực, như sự hội nhập của Sáng kiến Vành đai Con đường do Trung Quốc khởi xướng và Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga dẫn đầu, đồng thời duy trì an ninh khu vực là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Astana, ngày 3/7 (Ảnh: AFP)
SCO hiện có 9 quốc gia thành viên, 3 quốc gia quan sát viên và 14 đối tác đối thoại. Hiện tổ chức này đang bao phủ một vùng lãnh thổ rộng lớn với hơn 60% diện tích lục địa Á - Âu, gần một nửa dân số thế giới và khoảng 1/4 tổng lượng kinh tế toàn cầu.
Một phần quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh lần này là việc Belarus chính thức gia nhập SCO, nâng tổng số thành viên lên 10. Điều này được cho là không chỉ làm tăng sự đa dạng về mặt địa chính trị mà còn củng cố chiều sâu chiến lược của tổ chức này. Đây được xem là một bước tiến quan trọng của khối hướng tới một trật tự quốc tế mới mà Nga đang ủng hộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!